Trang chủ»Nhân vật - Sự kiện

Nhân vật - Sự kiện

Y tá Florence Nightingale

Florence Nightingale (sinh ngày 12/5/1820 tại Florence, Ý - mất ngày 13/8/1910 tại London, Anh) là y tá, nhà thống kê, và nhà cải tạo xã hội người Anh. Bà được nhớ đến nhiều nhất nhờ công cuộc cải thiện tình trạng vệ sinh cho các bệnh viện dã chiến của quân đội Anh và đồng minh trong Chiến tranh Krym. Nhờ thức đêm săn sóc các binh sĩ mà bà được họ gọi là “nữ y tá với ngọn đèn dầu”. Về sau, bà còn lập ra Trường Điều dưỡng Nightingale ở Bệnh viện St. Thomas, London nhằm đào tạo các bà đỡ và y tá làm việc tại các trạm xá.



Chân dung Florence Nightingale những năm 1870 - Ảnh: Perry Pictures/Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ

Gia thế và những năm tháng đầu đời

Florence Nightingale là em trong một gia đình có hai người con gái. Tên bà được đặt theo thành phố ở Ý nơi bà sinh ra. Bố bà là William Edward, một điền chủ giàu có với hai điền trang: một ở Lea Hurst, Derbyshire thuộc miền Trung nước Anh; một ở Embley, Hampshire, nằm ở phía Nam ấm áp hơn. Mẹ của bà là Frances Nightingale, thuộc dòng dõi thương gia, quen biết rộng. Một năm sau khi sinh, bà cùng gia đình trở về Anh sinh sống. Gia đình bà dành phần lớn thời gian ở Embley và chỉ vào mùa hè mới chuyển sang điền trang Lea Hurst ở tạm.

Là một đứa trẻ sáng dạ, Florence được cha cho học nhiều môn học như lịch sử, triết học, văn học, toán học, cùng các ngoại ngữ như Đức, Pháp, Ý, Hy Lạp, và Latin từ nhỏ. Không thích những việc nữ công gia chánh được hầu hết trẻ nữ phải học lúc bấy giờ, bà tìm đọc các quyển sách triết học và thường cùng cha bàn về những vấn đề chính trị - xã hội.

Gia đình Florence theo đạo Cơ đốc nhưng cũng khá phóng khoáng. Từng nhiều lần “nghe tiếng gọi từ Chúa”, đến những năm vị thành niên, bà nhận ra sứ mệnh thiêng liêng của cuộc đời mình là chăm sóc con người, giảm bớt khổ đau bệnh tật - một trọng trách cao cả vừa hợp lời răn dạy của Đấng Tối cao, vừa giúp đỡ được mọi người. Song, lúc đó tại Anh, nghề chăm sóc bệnh nhân bị xem là hèn mạt, dơ bẩn, không thích hợp với những người phụ nữ có vị thế như Florence Nightingale. Thay vì lấy một quý ông môn đăng hộ đối và yên bề gia thất, bà quyết định đi theo tiếng gọi của Chúa, vì vậy bà bị cha mẹ cực lực phản đối. Năm 1849, bà từ chối lời cầu hôn từ quý ông Richard Monckton Milnes để lo cho sự nghiệp điều dưỡng của mình ở phía trước.

Chăm sóc bệnh nhân thời bình và thời chiến

Tháng 7/1850, bà dành hai tuần ở Viện Trợ tế Kháng cách ở Kaiserwerth, Đức, để tham gia đào tạo điều dưỡng. Một năm sau, bà quay lại viện tiếp tục khóa đào tạo kéo dài 3 tháng nữa. Qua hai năm, bà học được các kỹ năng điều dưỡng căn bản, cũng như tầm quan trọng của việc quan sát bệnh nhân, sắp xếp và tổ chức bệnh viện.

Sau đó, Florence trở lại Anh làm y tá tại bệnh viện Đường Harley, chăm sóc cho các quý bà gặp vấn đề về sức khoẻ. Nhờ làm việc hiệu quả mà bà được cất nhắc lên chức quản đốc. Tại vị trí này, bà hoàn thành tốt công việc quản trị, cải thiện dịch vụ chăm sóc y tế và điều kiện làm việc của đội ngũ y bác sĩ, từ đó nâng hiệu suất của bệnh viện. Trong khoảng thời gian đó, bà còn tình nguyện làm việc cho Bệnh viện Middlesex chống chọi dịch tả, cải tạo hiện trạng vệ sinh tại khu vực. Sau đó, bà cũng nghĩ đến việc làm quản đốc tại Bệnh viện King’s College ở London. Tuy nhiên, bà nhận thấy sẽ tốt hơn nếu mình có thể làm việc tại các cơ sở cho phép bà đào tạo các y tá.

Tháng 10/1853, Đế quốc Ottoman tại bán đảo Thổ Nhĩ Kỳ tuyên chiến với Nga, khơi mào Chiến tranh Krym. Quân Pháp và Anh liên hiệp với quân Thổ và tham chiến ít lâu sau đó. Được biết bệnh viện dã chiến cho quân nhân được dựng tại Scutari (Üsküdar ngày nay) bên bờ Eo biển Bosporus. Nhu yếu phẩm nhanh chóng cạn kiệt mà cơ sở hạ tầng và tay nghề đội ngũ y tế trực chiến lại quá kém cỏi, khiến nhiều người bức xúc kêu gọi cải thiện tình trạng chăm sóc y tế cho thương binh. Sự việc lên trang báo Times ở London, do nhà báo chuyên mảng chiến tranh đầu tiên trong thời hiện đại - William Howard Russell - đưa tin.

Lúc bấy giờ, Sydney Herbert, ngoại trưởng Anh tham chiến, mới viết thư khuyến khích Nightingale dẫn một đoàn y tá đến Scutari. Cùng lúc, Nightingale viết thư cho Liz Herbert, vợ của Sydney, bày tỏ ý định muốn hỗ trợ các binh sĩ. Cả hai hay tin cùng lúc và Florence được giao toàn quyền quản lý và giám sát đội y tá do mình chọn. Bà dẫn 38 nữ y tá rời Anh ngày 21/10/1854 và cập bến Krym khoảng hai tuần sau, vào ngày 05/11. Trước khi Florence đặt chân đến bán đảo này, bên Anh và đồng minh không có bất kỳ nữ y tá nào.

Bà không được đội ngũ y tế trực chiến chào đón, lại còn nhận cảnh báo về tình hình vệ sinh tồi tệ. Thực tế còn khủng khiếp hơn. Bệnh viện được dựng tạm ngay trên một hố xí lớn, môi trường và đặc biệt là nguồn nước bị ô nhiễm nặng nề. Thương binh nằm la liệt trên cán, ngay cạnh phân của họ. Các loài sâu bọ và gặm nhấm chạy lung tung khắp nơi. Nhu yếu phẩm như băng gạc hay xà phòng đều khan hiếm. Nước cũng phải được chia phần. Số lượng binh sĩ qua đời vì thương hàn và thổ tả còn nhiều hơn số tử vong vì các vết thương do chiến đấu. Sau Trận Balaklava và Trận Inkerman, số thương binh ngày càng quá tải. Trước cảnh tượng mà Florence gọi là “vương quốc địa ngục” này, bà hiểu rõ việc đầu tiên cần làm là phải tích trữ càng nhiều nhu yếu phẩm càng tốt.



Biểu đồ mào gà cho thấy số binh sĩ chết vì bệnh tật (vùng màu xanh) nhiều hơn hẳn số binh sĩ chết trên chiến trường (màu đỏ) - Ảnh: Guardian

Florence Nightingale gọi vốn từ tờ Times ở London để thu mua các nhu yếu phẩm. Bà mua hàng trăm bàn chà sợi cứng và kêu gọi những nhân sự khoẻ mạnh nhất chà sạch mọi ngóc ngách trong bệnh viện, từ sàn nhà đến mái. Bà còn huy động vợ các chiến sĩ lo chuyện giặt giũ, đảm bảo trang phục bệnh viện lúc nào cũng sạch sẽ. Florence cũng đặt ra các quy tắc vệ sinh bệnh viện cần tuân thủ, yêu cầu mọi người được tắm rửa kỹ càng, quần áo lúc nào cũng sạch sẽ, và quan trọng là thực phẩm phải đảm bảo vệ sinh. Bà tạo ra “bếp thương binh” chuyên nấu ăn cho những binh sĩ và bệnh nhân có khẩu phần đặc biệt. Trong bệnh viện còn có phòng đọc sách phục vụ mục đích giáo dục và giải trí. Bên cạnh đó, bà còn giúp các binh sĩ viết thư gửi cho người nhà.

Florence Nightingale tận tâm chăm sóc bệnh nhân. Ngay cả khi tối muộn, bà vẫn chong đèn dầu thăm bệnh. Binh sĩ lẫn đội ngũ y tế tại bệnh viện dã chiến ai cũng đều mến mộ, nể trọng bà, gọi bà là “nữ y tá với ngọn đèn dầu” hay “Thiên sứ Bán đảo Krym”. Có nhiều nguồn khác nhau nói về ảnh hưởng của bà đối với khu dã chiến. Mặc dù vậy, điều không thể chối cãi là bà đã giúp giảm đáng kể lượng binh sĩ tử vong và nâng tầm dịch vụ điều dưỡng tại đây.



Florence Nightingale - nữ y tá với ngọn đèn dầu - Ảnh: Henrietta Rae

Tháng 5/1855, sau khi đặt chân lên Bán đảo Krym được ít lâu, Florence mắc bệnh “sốt Krym”, ngày nay còn được gọi là “bệnh Brucella”. Rất có thể bà đã uống phải nguồn sữa nhiễm khuẩn. Do lúc đó chưa có thuốc đặc trị, bà phải chịu đau đớn với căn bệnh này suốt nhiều năm. Lúc trở về quê nhà tại Anh, bà mệt mỏi một phần vì công việc, một phần vì bệnh. Từ đó trở đi, bà thường xuyên phải nằm giường; nhưng không vì vậy mà bà quên đi sứ mệnh thiêng liêng của mình. Thậm chí bà còn có nhiều đóng góp đáng kể trong thời gian nằm trên giường bệnh.

Trở về quê nhà và tiếp tục cống hiến

Ngày 30/3/1856, Hòa ước Paris được ký kết, chấm dứt Chiến tranh Krym. Florence Nightingale lưu lại Scutari đến khi toàn bộ các bệnh viện dã chiến được đóng cửa và trở về Derbyshire ngày 07/8/1856. Là một người khiêm nhường, bà không dám nhận những lời tung hô của công chúng mà lui về nhà riêng dưỡng bệnh. Florence được Nữ hoàng Victoria tặng huy hiệu cao quý, về sau được gọi là “Viên ngọc Nightingale”, cùng phần tiền thưởng trị giá 250.000 USD.

Tháng 9/1856, Florence gặp mặt Nữ hoàng Victoria và Vương tế Albert bàn chuyện cải tổ quân đội. Trong thời chiến, bà tỉ mỉ ghi chép lại thống kê về nguyên nhân nhiễm bệnh và tử vong của binh sĩ, năng suất làm việc của y tá và cán bộ y tế, cùng những khó khăn trong vấn đề tiếp tế lương thực. Phía hoàng gia sau đó cho lập uỷ ban chuyên trách việc nghiên cứu và phân tích dữ liệu thống kê do Florence Nightingale thực hiện, từ đó đưa ra những biện pháp cải tổ thiết thực cho hệ thống quân đội và phân phối lương nhu.

Từ khi thành lập năm 1855 đến năm 1859, Quỹ Nightingale đã huy động 45.000 bảng. Phần lớn số tiền này được Florence dùng để mở Trường Điều dưỡng Nightingale tại Bệnh viện St. Thomas vào năm 1860. Ngôi trường này chuyên đào tạo điều dưỡng cho mọi phụ nữ, bất kể tín ngưỡng tôn giáo, biến điều dưỡng thành một nghề được coi trọng, không còn bị xem là thấp hèn; ngay cả các phụ nữ trung và thượng lưu cũng bắt đầu theo học để trở thành y tá. Về phần mình, Florence được dân chúng, nhất là phái nữ, ngưỡng mộ hết mực. Bà còn được tung hô nhờ năng lực thống kê tỉ mẩn. Biểu đồ mào gà do bà phát triển để thể hiện số thương vong tại chiến trường Scutari vẫn còn được sử dụng ngày nay. Những đóng góp của bà được xem là một trong những nền tảng cho ngành điều dưỡng và dịch tễ học hiện đại.

Florence Nightingale là tác giả của nhiều đầu sách về y tế nói chung, điều dưỡng nói riêng. Đầu tiên phải kể đến “Notes on Matters Affecting the Health, Efficiency and Hospital Administration of the British Army” (tạm dịch: “Một số ghi chép về các vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe, hiệu suất và quản trị bệnh viện của quân đội Anh”) - báo cáo giúp cải tổ hệ thống quân đội Anh. Năm 1859, bà cho xuất bản “Notes on Hospitals” (tạm dịch: “Một số ghi chép về bệnh viện”), cuốn sách đề ra những tiêu chí giúp điều hành thành công một bệnh viện nhân dân. Tuy nhiên, tác phẩm nổi tiếng nhất của bà là cuốn “Notes on Nursing: What It Is and What It Is Not” (tạm dịch: “Một số ghi chép về điều dưỡng”) xuất bản cùng năm. Nội dung cuốn sách xoay quanh các vấn đề chăm sóc và quản lý người bệnh.

Về sau, Florence còn mở thêm trường đào tạo bà đỡ tại King’s College ở London năm 1862. Nhận thấy tầm quan trọng của việc chăm sóc người bệnh tại nhà, bà huấn luyện điều dưỡng tại các địa phương, giúp cải thiện sức khỏe của những người nghèo, yếu thế trong xã hội. Không chỉ hỗ trợ y tế trong nước, bà còn có một số đóng góp nhất định với nền y tế Mỹ và Ấn Độ. Bà từng tham vấn cho các binh sĩ tại Mỹ về việc chăm sóc vết thương chiến đấu trong thời kỳ Nội Chiến. Uỷ ban Y tế Hoàng gia được thành lập tại Ấn Độ nhằm cải thiện vấn đề vệ sinh công cộng cho cả dân thường và quân đội. Các thành quả có được tại quốc gia thuộc địa này đều là nhờ thành quả thống kê của Nightingale.

Những năm tháng cuối đời

Florence Nightingale được trao tặng Huân chương Thánh John Vùng Jerusalem cho những đóng góp của bà. Đặc biệt hơn, bà là người phụ nữ đầu tiên nhận được Huân chương Công trạng cao quý. Ba năm sau, vào tháng 5/1910, bà còn được Vua George gửi thiệp tán dương nhân dịp sinh nhật lần thứ 90 của ngài.

Đầu tháng 8/1910, Florence đổ bệnh và chóng khỏi; song lại tiếp tục biểu hiện các triệu chứng đáng lo ngại vào tối 12/8. Đến 2 giờ chiều ngày hôm sau, bà qua đời trên giường bệnh tại nhà riêng ở London. Theo đúng di nguyện khiêm nhường của “nữ y tá với ngọn đèn dầu”, gia đình bà từ chối quốc tang và lễ mai táng trang trọng tại Cung điện Westminster. Florence Nightingale được chôn tại phần mộ tư gia ở Nhà thờ Thánh Margaret ở East Wellow, Hampshire. Tang lễ của bà cũng ấm cúng, không quá ồn ào mặc dù dân chúng rất muốn bày tỏ lòng kính trọng của mình với vị y tá đã hết lòng cứu trợ, săn sóc những bệnh nhân, đặc biệt là những người nghèo.

Trường Điều dưỡng Nightingale ngày nay đã trở thành Bảo tàng Florence Nightingale trưng bày hơn 2.000 hiện vật về cuộc đời và sự nghiệp của “Thiên sứ Bán đảo Krym”. Bà được giới y học công nhận là người tiên phong cho ngành điều dưỡng hiện đại. Ngày Y tá Quốc tế được tổ chức hàng năm vào đúng dịp sinh nhật của bà - ngày 12/5.

Huỳnh Trọng Nhân

(Tổng hợp và lược dịch)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán