Trang chủ»Kinh tế»Những vấn đề kinh tế

Những vấn đề kinh tế

Cơ hội nào cho quan hệ giao thương Ả Rập - Phi

Mặc dù tồn tại suốt hàng thập kỷ, quan hệ giao thương giữa Ả Rập và Châu Phi hiện chỉ chiếm 17% tổng các trao đổi thương mại của Châu Phi. Song, xu hướng tương lai có vẻ mang nhiều sắc màu tích cực.



Ảnh: Avigator Fortuner/Shutterstocks

Hy vọng đẩy mạnh ngoại thương giữa Ả Rập và Châu Phi đến nay vẫn không mấy khả quan. Giao thương giữa hai đối tác này vẫn giậm chân tại 17% trong 7 năm trở lại đây. Hiện Trung Quốc và Liên minh Châu Âu vẫn là hai đối tác ngoại thương lớn nhất của Châu Phi. Theo Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Châu Phi (Afreximbank), giao thương giữa Châu Phi và các nước Ả Rập năm 2021 ước tính khoảng 80 tỷ USD. Song, tình hình này có vẻ dần thay đổi, bắt đầu từ các quốc gia Ả Rập ở khu vực Đông Bắc châu lục, cửa ngõ tiếp cận vùng Hạ Sahara (SSA).

Nhiều ông lớn từ ngành cảng biển và logistics (như DP World), ngành năng lượng tái tạo và xây dựng (như Elsewedy Electric), hay các công ty điện lực (như ACWA), mặc dù đã bắt rễ từ lâu tại Châu Phi, nhưng vẫn sẵn sàng mở rộng và đầu tư thêm.

Theo Báo cáo Thương mại Thế giới 2021 của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), thương mại toàn cầu trong đợt dịch vừa qua vững hơn nhiều so với đợt khủng hoảng kinh tế 2008-2009. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), thương mại hàng hoá tại Châu Phi tuy thu hẹp 12,3% năm 2020 nhưng lại mở rộng hơn 28% năm 2021.

Algeria trở thành thành viên thứ 52 của cơ quan tài chính thương mại đa phương lớn nhất Châu Phi - Afreximbank (Afrex) - và Ngân hàng Trung ương Ai Cập (NBE) cam kết tham gia Thỏa thuận Tăng Vốn Chung của Afrex là hai ví dụ minh chứng cho tính cấp thiết của quan hệ giao thương Ả Rập - Phi.

Tổng vốn đầu tư 326,6 triệu USD, gồm 130,6 triệu đã thanh toán, khiến NBE trở thành cổ đông phi quốc gia lớn nhất của Afrex. Giáo sư Benedict Oramah, Chủ tịch Afrex, đánh giá đây là khoản đầu tư “vô cùng trọng yếu”.

Hàng xuất khẩu và vốn đầu tư mà Ai Cập rót vào thị trường SSA thể hiện rõ ràng hơn bao giờ hết qua chính sách mới nhất của chính quyền Cairo: tăng nguồn xuất khẩu sang Châu Phi lên 10 tỷ USD vào 2025.

Hiện tại, tổng lượng hàng xuất khẩu từ Ai Cập sang các nước Châu Phi chỉ là 5 tỷ USD: 2/3 trong số đó sang các quốc gia Ả Rập ở Châu Phi và 1/3 còn lại sang các quốc gia SSA như Kenya, Uganda, hay Nam Phi. Tình hình đầu tư cũng tương tự, với tổng lượng đầu tư đạt đỉnh 11,3 tỷ USD năm 2019.

Xóa bỏ khoảng trống tài trợ thương mại

Trong một buổi phỏng vấn, chủ tịch Oramah công bố các vấn đề tài chính hiện tại ở Châu Phi và tiềm năng tài chính Ả Rập có thể xử lý các vấn đề này như thế nào. Theo ông: “Khoảng trống tài trợ thương mại của Châu Phi vẫn rất lớn - hơn 90 tỷ USD. Các ngân hàng tại Châu Phi cũng ngày càng ít tham gia vào tình hình tài trợ thương mại hơn. Các tổ chức tài chính Châu Phi khó có khả năng nắm bắt các cơ hội bởi không có đủ nguồn vốn.”

Afrex và cơ quan tín dụng xuất khẩu của Ngân hàng Phát triển Hồi giáo (ICIEC) là hai nhân tố thực hiện Chương trình Cầu nối Thương mại Ả Rập - Phi (AATB), có thể xem là cầu nối quan trọng nhất thúc đẩy quan hệ giao thương nói trên.

AATB được phát động vào năm 2010, với sự tham gia của Quỹ Phát triển Quốc tế của OPEC, Ngân hàng Ả Rập Phát triển Kinh tế Châu Phi (BADEA), Ngân hàng Phát triển Hồi giáo (IsDB), ICIEC, Afrex, Tập đoàn Tài trợ Thương mại Hồi giáo Quốc tế (ITFC), cùng các chính quyền Ai Cập, Ma Rốc, Senegal, và Tunisia.

Afrex ký biên bản ghi nhớ với ICIEC sau cuộc họp ở Sharm El Sheikh, Ai Cập hồi tháng 3/2022 về hợp tác phát hành tín dụng xuất khẩu và bảo hiểm đầu tư, bao gồm thư tín dụng và các chứng chỉ thế chấp có lợi cho các nước thành viên ở cả hai khối.

Nhân tố thay đổi cuộc chơi?

Nhân tố thay đổi cuộc chơi khả dĩ là Quỹ Bảo đảm Ả Rập - Phi (AAGF) trị giá hàng tỷ USD do AATB phê duyệt hồi tháng 3/2022, dự kiến hoạt động đầu năm 2023.

Quỹ này tạo ra “cấu trúc có khả năng nhân rộng nhằm huy động các nguồn lực tài chính và công cụ giảm thiểu rủi ro nhằm hỗ trợ thương mại và đầu tư tại các nước Ả Rập và Châu Phi; dùng hỗn hợp các cấu trúc tài chính để đảm bảo tổng phí của các giao dịch được tối ưu hóa cho bên hưởng lợi.”

Quỹ này bao gồm ba thành phần: Cơ sở Xanh Ả Rập - Phi; An ninh Lương thực Ả Rập - Phi; và Y tế Ả Rập - Phi. Các đối tác AAGF hy vọng thu hút thêm các cổ đông như thành viên Uỷ ban Kinh tế Châu Phi, các công ty bảo hiểm rủi ro, nhà tài trợ, các ngân hàng phát triển đa phương trong khu vực, cùng các thành viên AATB mới gia nhập nhằm tối đa hóa khả năng huy động vốn.

Oramah nhận định: “AAGF sẽ giảm thiểu phí bảo hiểm cùng tổng chi phí do các bên đảm bảo/bảo hiểm đặt ra, đồng thời bảo hiểm tổn thất đầu tiên và lần hai trong các đợt giao dịch, qua đó hỗ trợ nguồn đầu tư rót vào các ngành trọng yếu, giúp kinh tế Châu Phi tăng trưởng và phát triển.”

Oussama Kaissi, CEO của ICIEC, bổ sung: “Tín dụng và các bảo hiểm rủi ro chính trị có thể giúp lượng tài trợ thương mại đạt chỉ tiêu của cả AATB lẫn các bên đầu tư hạ tầng cơ sở. Các thành viên AATB dư khả năng đáp ứng các nhu cầu thương mại ở các nước Ả Rập và Châu Phi. Việc cần làm bây giờ là tìm được cấu trúc tài chính tận dụng được tiềm năng của các thiết chế tại các quốc gia thành viên và đặt ra những công cụ giảm thiểu thích hợp nhằm thu hút nguồn vốn từ các đối tác bên ngoài.” Được biết ICIEC đã chốt các giao dịch tổng trị giá 5,6 tỷ USD thông qua chương trình.

Cầu nối hoạt động tích cực nhất

Cầu nối thúc đẩy tài trợ thương mại tích cực nhất tại Châu Phi lúc này là ITFC, do IsDB lập ra. Vào tháng 6/2022, ITFC ký thoả thuận trị giá 12 tỷ USD với hầu như toàn bộ các quốc gia và vùng lãnh thổ tại Châu Phi; đáng kể nhất là thỏa thuận 6 tỷ USD với chính phủ Ai Cập nhằm tài trợ các nhu cầu lương thực và năng lượng của quốc gia này.

ITFC cũng lập ra Quỹ Hợp vốn Murabaha (tài trợ thương mại hàng hóa) cho Afrex, hỗ trợ Chương trình Điều chỉnh Thương mại Châu Phi trong Cuộc Khủng hoảng Ukraina (UKAFPA). Theo đó, tổ chức này sẽ giúp Afrex hỗ trợ các nước thành viên thu mua hàng hóa dễ dàng hơn, đặc biệt là các mặt hàng thực phẩm hứng chịu tình trạng lạm phát trên thị trường quốc tế.

ITFC còn mở rộng nhiều quỹ Murabaha khác, bao gồm: khoản tài trợ 116 triệu USD cho Senegal nhằm thu mua các sản phẩm dầu mỏ lọc; khoản tài trợ 1 năm trị giá 240,2 triệu USD cho Burkina Faso nhằm nhập/xuất khẩu các sản phẩm năng lượng chiến lược, các mặt hàng lương thực thực phẩm, và vải bông; khoản tài trợ 50 triệu USD cho Mauritania thu mua các mặt hàng, với sự điều hành của Hiệp hội Điện lực Mauritania (Somelec).

Bên cạnh đó là khoản tài trợ phát triển trị giá 176,2 triệu USD được IsDB phê duyệt tại Sharm El Sheikh, Ai Cập, hồi tháng 6/2022. Nguồn quỹ này sẽ được rót vào các phương tiện vận chuyển mới, vào các dự án y tế, nước, vệ sinh, và an ninh lương thực tại 4 quốc gia vùng SSA - Guiné-Bissau, Togo, Benin, và Cameroon. Dự án lớn nhất, trị giá 84,62 triệu USD, là Dự án Chuỗi Giá trị Gạo dành cho Cameroon.

Với thị trường hơn 1,3 tỷ dân và tổng GDP trên 3 nghìn tỷ USD, Vùng Tự do Thương mại Châu Phi (AfCTFA) hứa hẹn sẽ khuyến khích đẩy nhanh thương mại và đầu tư Ả Rập - Phi tại khu vực, trong lúc thiết chế và chính quyền các nhà nước Ả Rập ngày càng cuốn hút vào các thuận lợi mà AfCFTA có thể mang lại.

Song, khảo sát các CEO tại châu Phi do uỷ ban đầu tư và thương mại tư nhân liên Phi (PAFTRAC) tiến hành hồi tháng 6/2022 nhận định “thành lập AfCFTA là chặng đường còn rất dài với hàng nghìn bước nhỏ.”

Cũng theo PAFTRAC: “Thay đổi luật pháp và các quy định phần nhiều dựa vào ý chí chính trị của mỗi chính quyền thành viên. Cả tiến trình có thể đổ sông đổ bể chỉ vì một chút nghi ngờ, thiếu tin tưởng lẫn nhau, đặc biệt là khi các doanh nghiệp tại một quốc gia nào đó e ngại thị trường trong nước ngày càng cạnh tranh khi có sự tham gia của các thị trường phát triển hơn.”

Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán