Trang chủ»Kinh tế»Những vấn đề kinh tế

Những vấn đề kinh tế

Kế hoạch thương mại “lịch sử” giữa Mỹ, EU, Trung Đông và Ấn Độ

Ngày 09/9 vừa qua, nhiều nước đã thiết lập giao thương đường sắt và đường biển liên kết với khu vực Nam Á và Trung Đông, đặt ra một số hệ quả địa chính trị.



Thủ hiến các quốc gia họp mặt về vấn đề Hành lang Kinh tế Ấn Độ - Trung Đông - Châu Âu bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại New Delhi, Ấn Độ hôm 09/9/2023 - Ảnh: EPA

Bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 tổ chức tại New Delhi năm nay, Mỹ, Liên minh Châu Âu (EU), Ả Rập Saudi, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), cùng nhiều quốc gia khác chung tay phát động sáng kiến liên kết các mạng lưới đường sắt, cảng biển, hệ thống điện và dữ liệu, đường ống hydro. Mặc dù phần lớn mục tiêu tập trung vào thương mại, các hệ quả chính trị là tất yếu khi hai trong số các nước liên đới - Israel và Ả Rập Saudi - trước giờ vẫn là “kẻ thù” của nhau.

Liên minh này được cho là kế sách của Tổng thống Mỹ Joe Biden nhằm quảng bá Mỹ với vai trò đối tác thương mại và nhà đầu tư lớn vào các nước đang phát triển, đối trọng với Trung Quốc và chiến lược Vành đai và Con đường.

Các bên tham gia ký kết hy vọng nền kinh tế 1,4 tỷ dân của Ấn Độ sẽ kết nối với phương Tây, cân bằng lại những khoản đầu tư hậu hĩnh mà Trung Quốc đã bỏ ra nhiều năm qua, đồng thời thúc đẩy kinh tế Trung Đông, bình thường hóa quan hệ giữa Israel và các quốc gia Ả Rập vùng Vịnh.

Tại lễ ký kết, ông Joe Biden nhận định đây là kế hoạch “lịch sử”, xây dựng cầu nối cảng biển giữa hai châu lục, kiến tạo “một vùng Trung Đông ổn định, phồn thịnh, và hội nhập thế giới hơn”, mở ra “vô vàn các cơ hội” cho năng lượng sạch, điện năng sạch, cũng như kết nối Internet giữa nhiều cộng đồng khác nhau.

Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho hay Hành lang Kinh tế Ấn Độ - Trung Đông - Châu Âu, hay IMEC “không chỉ liên kết các tuyến đường sắt và hệ thống cáp mà còn là cây cầu xanh nối liền các lục địa, các nền văn minh trong thời đại kỹ thuật số.”

Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi phát biểu: “Ngày hôm nay, chúng ta khởi động sáng kiến vĩ đại, gieo những hạt giống hy vọng cho mầm non tương lai có được những ước mơ lớn lao hơn.”

Theo Jon Finer, Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, thương vụ này sẽ hỗ trợ các nước thu nhập trung bình và thấp trong khu vực, đồng thời đưa Trung Đông trở thành vùng trọng điểm thương mại toàn cầu. Mục tiêu đặt ra là kết nối Trung Đông với phương Tây bằng đường sắt và với Ấn Độ bằng đường biển, liên thông đường giao thương và cung cấp năng lượng từ vùng Vịnh sang Châu Âu và Mỹ, cắt giảm thời gian, chi phí vận chuyển, cũng như nhiên liệu sử dụng.

Kết thúc buổi họp, EU, Ấn Độ, Ả Rập Saudi, UAE, Mỹ, cùng các nước thành viên khác của G20 cùng ký biên bản ghi nhớ (MoU) IMEC.

Theo MoU, hai hành lang kinh tế sẽ được thiết lập: phía Đông kết nối Vịnh Ba Tư với Ấn Độ; phía Bắc kết nối Vịnh Ba Tư với các nước Châu Âu. Các nước thành viên dự tính song song với tuyến đường sắt sẽ lắp cáp điện và cáp quang, cũng như đường ống dẫn hydro thu được từ những nguồn năng lượng tái tạo, dùng cho quy trình sản xuất điện.

Một đề xuất khác cũng được đưa ra nhằm liên kết hệ thống đường sắt và cảng tại vài nước Trung Đông (UAE, Ả Rập Saudi, Jordan, và Israel), qua đó tăng tốc độ giao thương giữa Ấn Độ và Châu Âu lên 40%.

Pramit Pal Chaudhuri, Giám đốc Khu vực Nam Á của Tập đoàn Eurasia, cho hay thay vì phải chuyển hàng từ Mumbai qua đường biển bằng Kênh Suez mới đến được Châu Âu, giờ kiện hàng có thể đi dọc theo tuyến Dubai - Haifa (Israel) mà vẫn đến nơi, tiết kiệm thời gian và chi phí.

Hiện Kênh đào Suez là nút cổ chai gây nhiều trở ngại, mặc dù đóng vai trò huyết mạch cho 10% các chuyến vận tải đường biển nhưng lại thường xuyên xảy ra sự cố. Tháng 3/2021, tàu Ever Given mắc kẹt tại kênh theo chiều xéo khiến giao thông khu vực này bị ùn tắc một tuần.

“Thay đổi cục diện cuộc chơi”

Sáng kiến nêu trên cũng phù hợp với rất nhiều dự định hiện tại của Mỹ dành cho Trung Đông. Giới chức trách cho biết Washington rất mong chờ dự án này thành công.

Được biết chính quyền Biden đang tích cực thúc đẩy Ả Rập Saudi - quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn nhất đồng thời là đối tác an ninh của Mỹ - bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Israel sau nhiều thập kỷ tranh chấp và đóng cửa biên giới. Riyadh trước giờ chưa bao giờ công nhận Israel. Thủ tướng Benjamin Netanyahu của Israel cho biết vài tháng trước, Mỹ có đề xuất dự án này, cho rằng nó sẽ “thay đổi bộ mặt Trung Đông”.

Ông phát biểu rõ hơn trước báo chí hôm 09/9: “Israel sẽ là trung tâm của sáng kiến kinh tế. Chúng tôi sẽ dốc tất cả nguồn lực, kinh nghiệm của mình, cam kết biến thương vụ hợp tác sắp tới thành chiến lược lớn nhất trong lịch sử.”

Liên minh kinh tế cũng có thể hàn gắn mối quan hệ không mấy tối đẹp giữa Riyadh và Washington, sau khi Mỹ ký thỏa thuận hạt nhân với Iran và nhà báo bất đồng chính kiến Jamal Khashoggi bị ám sát hồi năm 2018.

Theo thông tấn xã Pháp AFP, hành lang kinh tế sẽ giúp phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc sản xuất và vận chuyển “năng lượng hydro xanh”, củng cố mạng lưới viễn thông và đường truyền dữ liệu thông qua hệ thống cáp biển mới nối với khu vực.

Michael Kugelman, Giám đốc Viện Nam Á trực thuộc Trung tâm Wilson nhận xét liên minh sắp tới sẽ là đòn đáp trả thẳng thắn Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc. BRI đã lan tỏa sức ảnh hưởng của Trung Quốc khắp Châu Á, Châu Âu, Châu Phi, và Nam Mỹ thông qua các khoản đầu tư tiền tỷ và quan hệ hợp tác lâu dài. Kugelman có dòng tweet như sau trên X (lúc trước là Twitter): “Nếu được thông qua, dự án này sẽ thay đổi cục diện cuộc chơi, tăng mức độ liên kết số giữa Ấn Độ và Trung Đông, hướng đến đối trọng với BRI.”

Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán