Trang chủ»Kinh tế»Những vấn đề kinh tế

Những vấn đề kinh tế

Liban nương nhờ đồng đô-la Mỹ khi nền kinh tế và tiền tệ nước này suy thoái

Lúc Moheidein Bazazo mở cửa hàng của mình tại thủ đô Beirut năm 1986 cũng là cao điểm nội chiến Liban. Ông không mong đợi nó sẽ phát triển. Nhưng chỉ vài năm sau, các kệ hàng trong tiệm chất đầy và ông phải thuê thêm 12 nhân viên để quán xuyến công việc buôn bán.

Song, những ngày tất bật ấy cũng đã trôi vào dĩ vãng. Bazazo giờ chủ yếu lủi thủi một mình trong cửa tiệm tắt đèn nhằm tiết kiệm tiền điện. Khách quen phải thắt lưng buộc bụng nên ông cũng chẳng bán được. Nhiều kệ tủ và thùng lạnh trống rỗng.

Cuối tháng, Bazazo lấy máy tính ra làm sổ sách, buồn rầu: “Cuộc sống tôi trước đây khá giả, giờ tôi chỉ còn 100 USD để trang trải chi phí cửa hàng. Cứ như tôi làm công không lương vậy.”

Nền kinh tế Liban suy thoái, đồng tiền quốc gia trượt dốc, nên Bazazo phải chật vật với vật giá. Các cửa hàng tương tự tiệm ông giờ phải dựa vào ngoại tệ ổn định - đồng đô-la Mỹ (USD) - để chống chọi đợt khủng hoảng tài chính có thể xem là tệ nhất lịch sử Liban này.

Bảng Liban đã mất hơn 98% giá trị so với cuối năm 2019. Hiện tại, nhiều hàng quán yêu cầu khách phải thanh toán bằng USD. Chính quyền mới đây cho phép các cửa hiệu làm điều tương tự.



Một cửa hàng trưng bảng hiệu bằng chữ Ả Rập “quần áo và giày dép Ý chỉ 9,99 USD” tại Beirut, Liban hôm 01/3/2023 - Ảnh: Hassan Ammar/apnews

Giải pháp “đô-la hóa” này tuy kiềm chế lạm phát và ổn định nền kinh tế, nhưng cũng sẽ đẩy nhiều người vào nghèo khó, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng. Đó là vì ít công dân Liban nào có tiền Mỹ để chi trả cho thực phẩm và các nhu yếu phẩm yêu cầu trả bằng USD.

Thế nhưng, nhiều lãnh đạo tham nhũng giới chính trị và tài chính hiện ra sức chống đối các giải pháp thay thế “đô-la hóa” như cải tổ dài hạn bộ máy ngân hàng và cơ quan chính phủ, từ đó cắt giảm chi tiêu hoang phí và tái khởi động nền kinh tế.

Một số quốc gia như Zimbabwe và Ecuador đã lấy USD làm phao cứu sinh vượt qua lạm phát phi mã và các chướng ngại kinh tế; kết quả không mấy khả quan. Trong khi đó, Pakistan và Ai Cập cũng đối mặt với não trạng tiền mất giá nhưng nguyên do lại bắt ngườn từ bên ngoài - cụ thể là chiến sự Nga - Ukraina làm cho giá lương thực và năng lượng tại hai quốc gia này tăng chóng mặt.

Còn khủng hoảng kinh tế tại Liban lại đến từ bên trong. Sau khi thấm đòn đại dịch Covid-19, vụ nổ rúng động Beirut năm 2020, và ảnh hưởng từ chiến sự Nga - Ukraina, Ngân hàng Trung ương nước này gấp rút in thêm tiền, xói mòn giá trị bảng Liban, châm ngòi cho lạm phát. Thiếu hụt tiền tệ khiến các ngân hàng hạn chế rút tiền, đóng băng hàng triệu sổ tiết kiệm. Nhiều khách hàng không biết làm gì hơn đã cùng nhau đến biểu tình tại các trụ sở ngân hàng như thế nhằm vớt vát tài sản của mình.

Tính từ lúc khủng hoảng bắt đầu năm 2019 đến nay, khoảng 4,5 triệu người Liban tại đất nước 6 triệu dân này đã lâm vào cảnh nghèo đói. Mất điện triền miên và thiếu thuốc thang cũng làm chất lượng sống giảm sút nghiêm trọng.

Thêm vào đó, hàng thập kỷ điều tiết yếu kém đã khiến chiến phủ chi tiêu quá tay. Người đứng đầu Ngân hàng Trung ương mới đây lại bị cáo buộc biển thủ công quỹ cùng nhiều tội trạng khác. Có thể nói bảng Liban lên xuống hàng giờ. Mặc dù neo vào đồng USD từ năm 1997, đồng tiền này giờ lại được định giá bởi các chợ đen, điều trở nên quá đỗi bình thường trong bất cứ giao dịch hàng hoá, dịch vụ nào.

Đến tháng 02/2023, giá trị bảng Liban đổi USD trượt từ 64.000:1 xuống 88.000:1 ở chợ đen, trong khi tỷ giá chính thức là 15.000 bảng đổi 1 USD. Tệ hơn, mặc dù Liban phụ thuộc nhiều vào lương thực, nhiên liệu, và nhu yếu phẩm nhập khẩu bằng đô-la Mỹ, chính phủ gần đây lại tăng mức thuế tính bằng bảng Liban áp lên các mặt hàng này gấp 3 lần. Nước đi này có thể làm giá hàng tiêu dùng còn tăng trong tương lai. Tình huống xấu nhất là doanh nghiệp nhỏ lẻ sẽ phải chịu bán lỗ món hàng mình mới vừa sắp lên kệ trưng bày.

Đô-la hóa có thể tạo ra cảm giác ổn định hơn về tài chính, nhưng cũng đẩy chênh lệch giàu nghèo lên cao. Đó là nhận định của Sami Zoughaib, nhà kinh tế và quản lý nghiên cứu tại tổ chức vận động chính sách Policy Initiative ở Beirut. Người này bổ sung: “Trong xã hội chúng tôi có vài tầng lớp dễ dàng có đô-la Mỹ… và nhiều thành phần khác chỉ có bảng Liban trong tay, lương thưởng của những người này giờ có cũng như không.”

Không một nghị định chính phủ nào quy định cả nước phải chuyển sang dùng USD. Nhiều cá nhân và doanh nghiệp chỉ đơn giản từ chối giao dịch bằng đồng tiền đang trượt giá thảm hại.

Chuyển sang giao dịch bằng USD đầu tiên là các mặt hàng và dịch vụ cao cấp dành cho giới thượng lưu, du khách, và tư nhân chịu phí nhiên liệu nhập khẩu. Rồi đến các nhà hàng. Và giờ là các cửa hàng bách hóa. Khi càng nhiều người và nhiều doanh nghiệp từ chối nội tệ hơn, đô-la Mỹ dần trở thành đồng tiền thực dùng ở Liban.



Moheidein Bazazo thay tem giá từ đơn vị bảng Liban sang USD tại cửa hàng của ông ở Beirut hôm 01/3/2023 - Ảnh: Hassan Ammar/apnews

Layal Mansour, nhà kinh tế chuyên về khủng hoảng tài chính tại các quốc gia đô-la hóa, nhận xét quá trình xói mòn niềm tin vào bảng Liban là không thể đảo ngược: “Người dân chán cảnh tỷ giá đổi đô-la Mỹ liên tục biến động, mất nhiều thời gian chuyển đổi giữa các đơn vị tiền tệ. Vì thế, ở tầm xã hội, chuyển sang dùng USD là lựa chọn tốt hơn. Và đây có thể là kết cục buồn cho bảng Liban.”

Lawrence White, Giáo sư kinh tế học tại Đại học George Mason, cho biết nếu không có chiến lược giải quyết các vấn đề tiềm tàng, chính phủ “đang khoanh tay đứng nhìn nền kinh tế lao xuống vực thẳm”.

Đô-la hóa cũng đồng nghĩa Ngân hàng Trung ương không thể tiếp tục in tiền vô tội vạ, đẩy nhanh lạm phát. Chuyển sang đồng tiền ổn định hơn cũng giúp doanh nghiệp tự tin. Song, điều đó cũng có nghĩa nhiều người sẽ chật vật về tài chính hơn. Hàng triệu người Liban nhắm mắt làm ngơ trước chuyện các xa xỉ phẩm bán bằng đô-la Mỹ sẽ không vui nếu các nhu yếu phẩm thường ngày, vốn tăng giá ở mức cao nhất toàn cầu, cũng trao đổi bằng USD.



Tem giá một mặt hàng trong cửa hàng của Moheidein Bazazo đã được thay sang đơn vị USD - Ảnh: Hassan Ammar/apnews

Theo khảo sát năm 2022 do Tổ chức Lao động Quốc tế và Cục Thống kê Liban thực hiện, hơn 90% dân số Liban hưởng lương bằng bảng Liban.

Trong khi ấy, các gia đình nhận tiền từ người thân ở nước ngoài gửi về dùng gần hết số tiền đó chỉ để đóng tiền điện nước và trang trải chi phí y tế. Những khoản này phải được thanh toán bằng đô-la Mỹ, đồng tiền mà nhiều doanh nghiệp và nhà tuyển dụng, đặc biệt là nhà nước Liban, đang thiếu trầm trọng.

Tính đến tháng 3/2023, giáo viên công lập đã đình công gần 3 tháng vì lương bổng không đủ chi trả tiền xăng xe đến trường. Nhân viên viễn thông cũng dọa sẽ nghỉ việc hàng loạt nếu mức lương không được điều chỉnh theo đà suy thoái bảng Liban.

Đến lúc này, Liban chưa thực hiện đủ các biện pháp cải tổ như tái cấu trúc ngân hàng và các cơ quan cấp cao lũng đoạn, đẩy lùi tham nhũng, và thiết lập hệ thống quy đổi ngoại tệ minh bạch, đáng tin cậy để được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) bảo lãnh.

Sami Zoughaib lo ngại nếu không có các chính sách đúng đắn và cải tổ phù hợp, tình trạng đô-la hóa sẽ đẩy thêm nhiều người vào cảnh nghèo khó, khiến họ không đủ tiền xoay xở viện phí, giáo dục, và lương thực.

Bazazo thừa nhận buôn bán bằng đô-la Mỹ sẽ giúp ông quản lý tài chính tốt hơn và bù một khoản nhỏ phần lỗ, song cũng lo ngại nhiều khách hàng thân quen vì vậy mà không lui tới chỗ mình nữa. Bazazo thở dài: “Chỉ có chờ mới biết được. Chưa gì người ta đã phàn nàn rồi.”

Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán