Trang chủ»Kinh tế»Những vấn đề kinh tế

Những vấn đề kinh tế

Malaysia cấm xuất khẩu đất hiếm để đẩy mạnh công nghiệp nước nhà

Malaysia sắp phát triển chính sách cấm xuất khẩu các loại đất hiếm nhằm ngăn chặn khai thác quá mức gây thất thoát tài nguyên, đồng thời siết chặt hoạt động vận chuyển các khoáng chất trọng yếu, theo Thủ tướng Anwar Ibrahim hôm 11/9.



Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim tham dự Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN - Trung Quốc lần thứ 26 trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 43 tại Jakarta, Indonesia hôm 06/9/2023 - Ảnh: Yasuyoshi Chiba/Reuters

Dữ liệu Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ 2019 cho biết Malaysia là một trong những nơi tập trung trữ lượng lớn đất hiếm, khoảng 30.000 tấn. Trung Quốc là quốc gia có nhiều đất hiếm nhất, ước tính 44 triệu tấn.

Quyết định của Malaysia ra đời trong bối cảnh nhiều nước đang tìm nguồn cung đất hiếm khác ngoài Trung Quốc, đủ để có thể phục vụ sản xuất chip bán dẫn, xe điện, và nhiều loại khí tài quân sự.

Thủ tướng Anwar cho biết chính phủ Malaysia sẽ chú trọng phát triển ngành đất hiếm sở tại, và lệnh cấm là để “đảm bảo nguồn doanh thu tối đa cho quốc gia”. Song, ông không đưa ra thời gian cụ thể áp dụng chính sách này.

Ngành công nghiệp đất hiếm dự tính sẽ đóng góp tới 9,5 tỷ ringgit (tương đương 2 tỷ USD) cho GDP của Malaysia năm 2025, đồng thời tạo công ăn việc làm cho 7.000 người. Anwar còn phát biểu: “Lộ trình chi tiết sẽ sớm được phát triển, nêu rõ nguồn khai thác từng loại khoáng sản hiếm lẫn mô hình kinh doanh cụ thể bao gồm các doanh nghiệp thượng nguồn, trung nguồn, và hạ nguồn, đảm bảo duy trì chuỗi giá trị đất hiếm của quốc gia.”

Lệnh cấm có thể ảnh hưởng đến Trung Quốc, nơi 8% quặng đất hiếm nhập khẩu từ tháng 1 đến tháng 7 năm nay đến từ Malaysia, theo thông tin từ hải quan.

Các khoáng sản trọng yếu

Đầu năm nay, Trung Quốc cũng tuyên bố sẽ siết chặt việc xuất khẩu một số kim loại thường dùng trong công nghiệp bán dẫn, một động thái được cho là đáp trả việc Mỹ rút giảm lượng sản phẩm công nghệ bán dẫn qua Trung Quốc. Nhiều bên đã bày tỏ quan ngại lệnh siết cũng sẽ áp dụng cho các loại đất hiếm trọng yếu.

David Merriman, nhà phân tích Project Blue cho biết khó có thể biết được ảnh hưởng đến từ lệnh cấm của Malaysia vì chưa nắm được chi tiết, song các công ty Trung Quốc tại Malaysia chắc chắn sẽ gặp vấn đề.

Ông nhận xét: “Quy định đó có thể gây ra nhiều hệ quả tiêu cực đến những khoản đầu tư mà các công ty Trung Quốc rót vào Malaysia. Thực tế, những doanh nghiệp này đã chuyển hướng tìm đến một số quốc gia Châu Á khác để thu mua đất hiếm pha trộn hay chưa xử lý làm nguyên liệu cho các cơ sở tinh chế phía Nam Trung Quốc.”

Công ty TNHH Lynas - đơn vị sản xuất đất hiếm lớn nhất ngoài Trung Quốc - có đặt nhà máy ở Malaysia nhằm xử lý các loại đất hiếm thu mua được tại Úc. Vẫn chưa rõ lệnh cấm sẽ ảnh hưởng thế nào đến Lynas và công ty vẫn chưa đưa ra bình luận nào cho phía báo chí.

Hiện tại, Malaysia đã siết chặt một số hoạt động của nhà máy Lynas do lo ngại về mức độ phóng xạ từ các hoạt động cracking và ngâm chiết đất hiếm. Lynas sau đó từ chối các cáo buộc này, cho rằng công ty đã tuân thủ nghiêm ngặt quy định.

Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán