Trang chủ»Kinh tế»Những vấn đề kinh tế

Những vấn đề kinh tế

Lạm phát chạm ngưỡng kỷ lục 8,6% tại 19 nước sử dụng đồng euro

Lạm phát tại các quốc gia sử dụng đồng euro (EUR) lập đỉnh mới, một phần vì giá năng lượng tăng cao trước tình hình xung đột Nga - Ukraina.



Khách hàng trả tiền sau khi mua rau củ tại chợ Maravillas ở Madrid, Tây Ban Nha, hôm 12/5/2022 - Ảnh: Manu Fernandez/apnews

Eurostat, cơ quan thống kê của Liên minh Châu Âu (EU), công bố hôm 01/7 rằng mức lạm phát thường niên của 19 nước sử dụng EUR chạm mốc 8,6% vào tháng 6 sau khi đạt 8,1% vào tháng 5. Đây là mức lạm phát kỷ lục kể từ khi việc thống kê EUR bắt đầu thực hiện vào năm 1997.

Được biết giá năng lượng tăng phi mã 41,9% và giá thực phẩm, cồn, và thuốc là tăng 8,9% - nhanh hơn rất nhiều so với tháng liền trước. Nhu cầu năng lượng tăng cao sau khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi hậu Covid-19 và chiến sự Nga - Ukraina làm tình hình trở nên nghiêm trọng hơn.

Trong khi đó, mức lạm phát của những mặt hàng cốt lõi vẫn khá ổn định so với năng lượng và lương thực. Giá quần áo, đồ gia dụng, xe, máy tính, sách vẫn tăng quanh mức 4,3% và nhiều dịch vụ khác chỉ tăng khoảng 3,4%.

Các lãnh đạo EU đồng ý cấm phần lớn các đợt nhập khẩu dầu từ Nga vào cuối năm nay, đẩy giá xăng dầu lên cao như trên. Khối 27 quốc gia Châu Âu muốn trừng phạt Moskva và giảm tình trạng phụ thuộc vào nguồn năng lượng từ Nga. Song, người dân và các doanh nghiệp phải hứng chịu nhiều khoản chi trả thường nhật cao hơn.

Lượng khí tự nhiên dùng trong điện lực cũng bị Nga cắt giảm đối với một số nước EU như Đức, Ý, và Áo; trong khi đường dẫn khí đốt đến Pháp, Ba Lan, và Bulgary, cùng một số quốc gia khác bị cắt hoàn toàn.

Bert Colijn, nhà kinh tế Tập đoàn ING chuyên về vùng sử dụng EUR, có viết như sau trong bài bình luận: “Đặc biệt quan trọng là lệnh cấm vận dầu mỏ và bóp đường ống dẫn khí đốt trong suốt tháng 6 đã khiến giá năng lượng leo thang.”

Giá tiêu dùng tăng cao cũng là vấn đề đau đầu tại nhiều quốc gia, như ở Anh và Mỹ, nơi mức lạm phát lần lượt lập đỉnh 9,1% và 8,6% - cao nhất trong 40 năm trở lại. Ngân hàng Anh, Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ, cùng nhiều ngân hàng trung ương khác phải duyệt hàng loạt đợt nâng lãi suất nhằm chống chọi lạm phát. Colijn cho biết “mức lạm phát tồi tệ” gần đây của vùng EUR đè nặng lên Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB), buộc họ phải có những động thái xử trí kịp thời.

ECB đang lập kế hoạch nâng mức lãi suất lần đầu tiên sau 11 năm vào tháng này, sau đó duyệt nâng một lần nữa vào tháng 9. Christine Lagarde, Chủ tịch ECB phát biểu cuối tháng 6 rằng ngân hàng cần thận trọng khi xử lý giá tiêu dùng leo thang, không vì tình huống cấp bách mà bóp nghẹt đà phục hồi kinh tế, song cũng không loại hoàn toàn khả năng nâng mức lãi suất lên cao nếu tình hình lạm phát vượt tầm dự đoán.

Lagarde có nhận xét tại diễn đàn ECB ở Sintra, Bồ Đào Nha, hôm 29/6 rằng: “Tôi không cho rằng chúng ta có thể quay lại thời lạm phát còn ở mức thấp. Do nhiều chuyển biến hậu đại dịch và cơn chấn động địa chính trị hiện hữu với khả năng thay đổi cục diện và thị trường nơi chúng ta vận hành mà một số chuyện đã là tất yếu.”

Tuy vậy, các ngân hàng trung ương cũng phải đối mặt nguy cơ khủng hoảng kinh tế khi nâng lãi suất vay quá cao. Lạm phát trong vùng EUR liên tục lập đỉnh trong suốt nhiều tháng kể từ năm ngoái, cho thấy tầm ảnh hưởng của cuộc xung đột lên nguồn cung năng lượng toàn cầu cũng như đời sống của khoảng 343 triệu người dân.

Dữ liệu EU cũng hé lộ nhiều quốc gia láng giềng của Nga dần bớt phụ thuộc vào nguồn khí đốt giá rẻ từ nước này song cùng chịu cảnh giá cả leo thang. Mức lạm phát thường niên của Estonia là 22%, của Litva là 20,5%, và của Latvia là 19%.

Ba Lan - quốc gia không dùng EUR nhưng là thành viên EU - vừa công bố hôm 01/7 vừa qua rằng mức lạm phát trong tháng 6 đã tăng lên 15,6% so với năm ngoái, lập kỷ lục mới trong vòng 25 năm đổ lại. Giới phân tích nhận định giá xăng dầu tăng nhiều nhất - 46,7% so với năm trước; trong khi giá thực phẩm chỉ tăng 14,1%.

Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán