Trang chủ»Kinh tế»Những vấn đề kinh tế

Những vấn đề kinh tế

Thiệt hại động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ được tính như thế nào?

Tính toán tổng thiệt hại do thiên tai gây ra là một câu hỏi khó nhằn và các ước tính đôi khi chênh lệch rất lớn. Hãy cùng xét qua một số cách ước tính thiệt hại trong thảm họa gần đây nhất - động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.



Ảnh: Hussein Malla/apnews

Liên hội Doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ vừa qua công bố báo cáo ước tính thiệt hại động đất tại miền đông nước này lên đến 84 tỷ USD, tức 10% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cả nước. Trong đó 70,8 tỷ USD là thiệt hại nhà cửa, 10,4 tỷ USD là mất mát thu nhập quốc nội, và 2,9 tỷ USD thiệt hại về số ngày công bị mất.

Trong khi đó, hãng phân tích dữ liệu Verisk của Mỹ ước tính thiệt hại tối thiểu là 20 tỷ USD. Các ước tính khác dao động giữa hai mốc này. Cần nhiều thời gian hơn nữa, ta mới có thể ước tính thiệt hại động dất tại Syria. Tuy cũng chịu mức độ tàn phá gần tương đương Thổ Nhĩ Kỳ, tổng thiệt hại tại đây lại thấp hơn nhiều.

Định giá thiệt hại đời sống

Melanie Gall từ Trung tâm Dữ liệu Thảm họa Diện rộng và Thiệt hại Hoa Kỳ (SHELDUS) trực thuộc Đại học Bang Arizona cho biết có hai cách tính ảnh hưởng kinh tế của những thảm họa tương tự trận động đất vừa qua.

Đầu tiên là xét đến những ảnh hưởng trực tiếp như thiệt hại nhà cửa hay số thương vong. Gall cho biết con số này sẽ được tổng hợp bởi chuyên gia thẩm định từ các công ty bảo hiểm.

Các ảnh hưởng gián tiếp có thể bao gồm tổn thất doanh thu trong lúc phong tỏa, thất thoát thu nhập của người lao động, và tổng số người gặp phải rối loạn tâm lý hậu sang chấn (PTSD) - tình trạng tinh thần bất ổn do các sự kiện khủng hoảng châm ngòi. Gall cho biết những ảnh hưởng này thường được tính dựa trên các mô hình kinh tế: “Trong đa số các trường hợp, thiệt hại gián tiếp chỉ được ước chừng và người thực hiện không phải các chuyên gia.”

Dựa trên tổn thất về tài sản, các công ty và hiệp hội bảo hiểm thường là nhóm đầu tiên đưa ra ước tính. Từ thiệt hại tài sản được bảo hiểm, họ tiến hành ngoại suy tổn thất đối với những tài sản không thuộc bảo hiểm.

Adam Rose, nghiên cứu viên cấp cao tại Trung tâm Phân tích Kinh tế và Rủi ro từ các Mối nguy và Tình trạng Khẩn Cấp tại Đại học Southern California, dẫn đầu nhóm phát triển phần mềm mang tên Công cụ Phân tích Hệ quả Kinh tế, hay E-CAT.

Rose cho biết: “Ước tính chính xác thiệt hại thảm họa chỉ có thể được đưa ra sau khi tiến hành nghiên cứu trường hợp thật kỹ lưỡng trong vài tháng, thậm chí vài năm.”

Phần mềm của nhóm ông sẽ đưa ra ước tính như vậy nếu được cung cấp những thông tin cơ bản về quy mô thảm họa cùng ước tính sơ bộ về khả năng bật dậy và hành vi con người vùng thảm họa.

Ông băn khoăn: “Thách thức khó nhất là định giá thiệt hại đời sống, phần lớn trong đó là thu nhập của cá nhân. Thông số này thấp hơn tại các quốc gia đang phát triển như Thổ Nhĩ Kỳ, vì vậy mà chuyển đổi chúng qua tiền đô-la Mỹ sẽ vấp phải nhiều vấn đề.”

Những bình diện được định giá sẽ bao gồm: đình trệ họat động doanh nghiệp; mức giảm các họat động kinh tế dựa trên thất thoát doanh thu; hay kết hợp thất thoát lợi nhuận và tiền công với thu nhập cá nhân hay tỷ lệ việc làm ở tầm vĩ mô. Rose thừa nhận: “Cả ba bình diện trên đều không đoái hoài đến nỗi khổ của người sống sót như tình trạng thiếu điện và nước sạch chẳng hạn.”

John Bateman, chuyên viên công vụ tại Dịch vụ Thông tin và Vệ tinh thuộc Cơ quan Quản trị Khí quyển và Đại Dương Quốc gia Hoa Kỳ (NOAA), nói nhiều bình diện khác như tổn thất tài nguyên thiên nhiên hay ảnh hưởng môi trường, phí tổn dịch vụ y tế và sức khoẻ tinh thần, giá trị chuỗi cung ứng bị thất thoát… cũng không được tính đến. Bateman nhận xét: “Ước tính của chúng tôi không thể bao quát hết được mọi mất mát trên thực tế.”

Độ chính xác

Theo Rose, những ước tính đầu tiên sẽ không đầy đủ vì được đưa ra chỉ vài ngày sau thảm họa, nhưng sẽ được cải thiện dần qua thời gian khi có đủ dữ liệu: “Những ước tính này thường bỏ qua thiệt hại về cơ sở hạ tầng như đường sá, cầu cống, các đường ống điện nước,…”



Tỉnh Idlib ở phía Bắc Syria chịu ảnh hưởng nặng nề từ trận động đất. Đây cũng là nơi chứng kiến nhiều bi kịch từ nội chiến Syria - Ảnh: Ghaith Alsayed/apnews

Song, Rose cho biết các nhà phân tích có cách ước tính những thiệt hại này nhờ thu thập và tinh lọc các dữ liệu do vệ tinh và máy bay thám thính cung cấp cùng nhiều nhân tố khác nữa.

Nhân tố đầu tiên là hiệu ứng domino trong chuỗi cung ứng. Ví dụ như một vài trận động đất tại Đài Loan trước đây tàn phá các xưởng sản xuất vật liệu bán dẫn, làm đứt gãy dây chuyền sản xuất linh kiện điện tử tại Mỹ và nhiều nơi khác.



Thành phố cảng Iskenderun, Thổ Nhĩ Kỳ, là một trong những khu vực bị động đất tác động mạnh nhất. Trong ảnh, hàng chục container ngã đổ và bốc cháy; đám cháy kéo dài đến ngày hôm sau - Ảnh: Serdar Ozsoy/Depo Photo

Thứ hai là các doanh nghiệp phục hồi nhanh chóng và hiệu quả như thế nào sau thảm họa bằng cách đổi địa điểm hoạt động hay cắt giảm lượng điện nước tiêu thụ. Giới chuyên gia phục hồi thảm họa gọi cách giảm thiểu rủi ro hậu thảm họa này là “khả năng bật dậy”.

Thứ ba là hành vi của người dân tại vùng thảm họa. Nếu họ tự ý rời khỏi khu vực hay bị chính quyền bắt ép chuyển chỗ ở bằng các lệnh sơ tán, nền kinh tế địa phương sẽ bị mất đi lượng lớn lao động, mà nhu cầu hàng hóa, dịch vụ của vùng cũng tụt nhanh. Điều này cũng xảy ra trong trận động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ: người dân sợ quay lại làm việc tại các toà nhà họ cho rằng không chắc chắn, sụp đổ bất cứ lúc nào, bất kể nỗi lo đó có căn cứ hay không.

Người nghèo sẽ khổ sở hơn

Rose cho rằng ước tính thiệt hại thiên tai bị đẩy quá cao hay bị ép quá thấp đều vì chính trị: “Một số nghi ngờ con số thiệt hại cao ngất ngưởng là để thu hút cứu trợ và tiền bồi thường; trong khi số khác lại cho rằng con số mà chính phủ đưa ra lúc nào cũng thấp nhằm tránh mất thể diện, che đậy các lỗ hổng chính sách hay lỗ hổng doanh nghiệp.”

Nghiên cứu trong vòng 30 năm trở lại còn cho thấy người nghèo sẽ chịu ảnh hưởng lớn hơn từ thảm họa. Họ là những người nhiều khả năng phải sống tại những vùng dễ tổn hại nhất và ít khả năng đầu tư cho những biện pháp giảm thiểu rủi ro nhất. Có thể nói tình trạng nghèo khó vừa là nguyên do gây ra, vừa là hậu quả đến từ rủi ro thảm họa.

António Guterres, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, cho rằng quản lý yếu kém, nghèo đói leo thang, tổn thất đa dạng sinh học, sự sụp đổ các hệ sinh thái, và tiến trình đô thị hóa bừa bãi là “những yếu tố móc nối nhau làm tăng rủi ro thảm họa”.

Vào Ngày Quốc tế giảm thiểu rủi ro thảm họa năm 2022, Guterres có phát biểu: “Khi thảm họa xảy ra, hệ thống y tế yếu ớt và cơ sở hạ tầng thiếu thốn lại khiến người nghèo chịu khổ hơn. Thành quả phát triển sau bấy nhiêu năm rồi sẽ mất trắng trong khoảnh khắc.”

Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán