Trang chủ»Kinh tế»Những vấn đề kinh tế

Những vấn đề kinh tế

Trung Quốc đệ đơn gia nhập Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương nhằm thúc đẩy vị thế kinh tế

Theo thông tin từ Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 16 tháng 9 năm 2021, Bộ trưởng Vương Văn Đào vừa đệ đơn xin gia nhập hiệp định đối tác trong một bức thư gửi đến Damien O’Connor, Bộ trưởng Bộ Thương mại New Zealand.



Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào phát biểu tại buổi họp báo tại Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện ở Bắc Kinh, Trung Quốc - Ảnh: Reuters

Phía Nhật Bản cho biết sẽ xem xét liệu Trung Quốc có đạt “các yêu cầu rất khắt khe” của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay không.

Hiệp định này được 11 nước ký kết vào năm 2018, trong đó có Úc, Canada, Chile, Nhật Bản, và New Zealand.

Trước đó, mục đích của hiệp định này là tạo ra một khối hợp tác kinh tế đối trọng với sức ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.

Nhật Bản, quốc gia nắm ghế chủ tịch CPTPP năm nay, vừa thông báo sẽ hội ý với các nước thành viên về đơn xin gia nhập của Trung Quốc, nhưng chưa nói rõ thời điểm hội ý.

Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Nishimura Yasutoshi phát biểu trước báo chí: “Nhật Bản tin rằng việc xác định liệu Trung Quốc, đất nước vừa gửi yêu cầu gia nhập TPP-11, có đủ khả năng thoả mãn những tiêu chuẩn cực kỳ khắt khe của Hiệp hội hay không, là một điều cần thiết.”

TPP thuộc một trong những chiến lược kinh tế quan trọng dưới thời Tổng thống Obama, nhưng người kế nhiệm ông, Donald Trump, lại rút Mỹ khỏi hiệp hội này vào năm 2017.

Khi được hỏi về đơn xin của Trung Quốc, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết quyền quyết định sẽ thuộc về CPTPP và nước Mỹ không có quyền can dự, nhưng đồng thời cũng phát biểu: “Chúng tôi tin rằng những hoạt động thương mại phi thị trường cùng hành vi cưỡng ép kinh tế đối với các quốc gia khác sẽ được bàn đến khi các bên bàn luận về việc xét đơn xin cho Trung Quốc.”

Gia nhập được CPTPP sẽ là tác động thúc đẩy mạnh hơn nền kinh tế Trung Quốc, nhất là sau khi nước này ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) vào năm ngoái.

Bắc Kinh cố gắng vận động tiến trình gia nhập bằng nhiều phương thức, trong đó có việc nhấn mạnh cơ hội hợp tác vô cùng lớn giữa Trung Quốc và Úc. Tuy nhiên, quan hệ ngoại giao giữa hai nước gần đây đã chuyển biến xấu.

Tuần qua, Mỹ và Anh cung cấp công nghệ tàu ngầm hạt nhân cho Úc, thành lập một liên minh mới với cái tên AUKUS - được xem là động thái nhằm đối trọng sức ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực Thái Bình Dương.

Tại buổi họp báo ở Bắc Kinh hôm 17 tháng 9, Triệu Lập Kiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cho biết đơn xin gia nhập CPTPP “hoàn toàn không liên quan” đến AUKUS, rằng Trung Quốc chỉ đang thúc đẩy hợp tác kinh tế trong khu vực trong khi liên minh AUKUS lại “mong muốn chiến tranh và sự tàn phá”.

Đài Loan, hiện cũng hướng tới gia nhập CPTPP, vừa qua bày tỏ nỗi quan ngại khi Trung Quốc cũng nộp đơn. Trung Quốc xem Đài Loan thuộc chủ quyền của mình và sẽ không hài lòng nếu Đài Bắc được chấp thuận trước Bắc Kinh.

Bộ phó Tài chính Nhật Bản, trong một dòng tweet hôm 17 tháng 9, cho biết việc Trung Quốc trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước và việc áp dụng pháp luật tuỳ tiện là những nguyên do khiến đất nước này khó gia nhập hiệp định.

Bộ trưởng Tài chính Nakanishi Kenji có đăng trên Twitter: “Trung Quốc… hoàn toàn không sánh được với sự tự do, công bằng, và mức độ minh bạch của TPP nên cơ hội gia nhập của họ gần như bằng không. Đây có thể xem là động thái nhằm ngăn chặn Đài Loan tham gia hiệp định.”

Hiện Bộ trưởng Vương và Bộ trưởng O’Connor đã có cuộc điện đàm bàn luận về các bước tiếp theo mà Trung Quốc cần thực hiện, theo thông tin từ Bộ Thương mại Trung Quốc.

Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán