Trang chủ»Toàn cảnh thế giới»Toàn cảnh thế giới

Toàn cảnh thế giới

Đức soán ngôi Nhật trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới

Nhật rơi vào suy thoái và trượt xuống vị trí thứ tư trên bảng xếp hạng các nền kinh tế lớn nhất thế giới, sau Mỹ, Trung Quốc, và giờ là Đức.



Frankfurt, Đức - Ảnh: Ferdinand Ostro/apnews

Vì thu hẹp vào quý cuối cùng năm 2023, kinh tế Nhật Bản đã nhường lại vị trí cho kinh tế Đức. Theo dữ liệu từ Văn phòng Nội các Nhật về GDP thực, nền kinh tế nước này co lại với tốc độ thường niên 0,4% giai đoạn tháng 10-12/2023 mặc dù tăng trưởng 1,9% toàn năm 2023. Trước đó, kinh tế Nhật thu hẹp 2,9% vào tháng 7-9. Hai kỳ giảm sút liên tiếp cho thấy Nhật trên lý thuyết đã rơi vào suy thoái.

Trước 2010, Nhật đứng thứ hai toàn cầu về kinh tế, nhưng sau đó đã bị Trung Quốc soán ngôi. Trong năm 2023 vừa qua, GDP danh nghĩa của Nhật là 4,2 nghìn tỷ USD, của Đức là 4,4-4,5 nghìn tỷ USD, tuỳ thuộc vào tỷ giá hối đoái.

Vì sao kinh tế Nhật trượt dài?

Đồng yên Nhật suy yếu là nhân tố chính khiến kinh tế nước này tụt xuống vị trí thứ tư, bởi GDP danh nghĩa đều được quy đổi sang đồng đô-la Mỹ. Tối 13/02, giới chức trách Nhật lên tiếng bảo vệ đồng yên, nhưng có vẻ nỗ lực này tới nay vẫn chưa mang lại kết quả tích cực.

Richard Snow, nhà chiến lược thị trường tại DailyFX, nhận định: “Nhà ngoại giao tiền tệ hàng đầu Nhật Bản, Kanda Masato, không hài lòng với tình thế đồng yên hiện tại, cho rằng nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng xấu. Ông còn đề xuất biện pháp can thiệp thị trường ngoại tệ. Giới chức trách Nhật trước đây từng nhúng tay vào sàn giao dịch ngoại tệ, cụ thể là vào tháng 09-10/2022, khi đồng đô-la được bán ra để mua về đồng yên, nhờ vậy yên được đẩy giá lên. Đây là động thái can thiệp cán cân đô-la - yên trong vòng 24 năm trở lại đây và Tokyo hoàn toàn có thể sử dụng lại chiêu thức này khi họ đã quá chán ngán những cảnh báo đến từ thị trường.”

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Suzuki Shun’ichi nhấn mạnh tầm quan trọng của đồng tiền ổn định, phản ánh đúng hiện trạng kinh tế. Ông cũng theo dõi sát sao chuyển động của các đồng ngoại tệ.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, các nhân tố khác góp phần đẩy Nhật vào suy thoái bao gồm sụt giảm dân số, sản lượng hàng hoá và độ cạnh tranh thụt lùi.

Đức cũng đương đầu nhiều thử thách

Nền kinh tế lớn nhất Châu Âu hiện cũng đang đối mặt với nhiều thách thức riêng, theo chuyên gia phân tích thị trường Piero Cingari. Ông nhận định: “Các chỉ số an tâm kinh tế của Đức vẫn xám xịt. Kết quả tháng 1 vừa qua rơi xuống ngưỡng ngang với hồi Covid-19, dự báo tình hình kinh tế ảm đạm nửa đầu 2024.”

Sau khi thu hẹp 0,3% trong năm 2023, kinh tế Đức được dự đoán sẽ chỉ mở rộng 0,3% năm 2024. Mức dự báo trước đó, công bố vào mùa thu 2023, là 0,8%. Kinh tế Đức có hy vọng trưởng liên tục với tốc dộ 1,2% vào năm 2025.

Cingari nhận xét thiếu thốn nhân lực khiến các hoạt động kinh tế trượt dốc và cán cân xuất nhập khẩu bị đình trệ cũng khiến phục hồi thương mại trở thành khả năng xa vời. Song, ông cũng nói: “Ở mặt tích cực, tình hình thị trường tài chính gần đây đã “dễ thở” hơn, và các hoạt động cho vay ngân hàng thoáng hơn đồng nghĩa nền kinh tế sẽ ngày một khởi sắc.”

Theo Euronews.business

SIU Review - số 135

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán