Trang chủ»Toàn cảnh thế giới»Toàn cảnh thế giới

Toàn cảnh thế giới

Trụ bê tông bảo vệ Cầu Francis Scott Key không thay mới trong nhiều năm

Vài giây trước khi tàu chở hàng Dali đâm vào trụ Cầu Francis Scott Key tại Baltimore, Mỹ, làm cầu sập và gây ra cái chết thương tâm cho 6 công nhân thi công, khi con tàu lướt qua hệ thống bảo vệ vốn được xây nên để ngăn chặn những thảm hoạ như thế này.



Tàu chở hàng Dali đâm sầm vào và làm sập Cầu Francis Scott Key hôm 26/3/2024. Trong bức ảnh chụp sau đó vài giờ, có thể thấy 4 trụ ngăn tàu làm bằng bê tông xung quanh nơi va chạm - Ảnh: Tasos Katopodis/Getty Images)

Đó là những trụ ngăn tàu, tức các trụ bê tông mặt tròn được xây gần các trụ cầu chính để cản các con tàu đi sai hướng, giúp chúng không đâm sầm vào nhịp cầu. Bốn trụ ngăn tàu của Cầu Francis Scott Key vẫn còn nguyên vẹn trên Sông Patapsco. Trụ ngăn mà tàu Dali suýt đâm trúng nằm phía mạn phải và nhỏ hơn rất nhiều so với kích cỡ con tàu, cụ thể hơn là chỉ bằng 1/15 lần chiều dài con tàu.

Nhiều chuyên gia cho rằng nếu cây cầu có hệ thống ngăn tàu vững chắc hơn, thảm hoạ có thể đã không xảy ra. Mặc dù Bang Maryland đã đầu tư rất nhiều vào trùng tu Cầu Francis Scott Key, các ghi chép cho thấy phần trụ ngăn tàu chưa bao giờ được thay mới hoàn toàn kể từ khi được xây vào những năm 1970.

Roberto Leon, Giáo sư kỹ thuật xây dựng tại Virginia Tech, đồng ý rằng nếu hệ thống trụ ngăn chắc chắn hơn, tàu Dali đã đâm vào chúng trước khi va chạm với cầu: “Các trụ ngăn này vô cùng nhỏ. Cần phải có trụ to hơn, và nhiều trụ hơn, vậy mới ngăn tàu được.”

Khi Cầu Francis Scott Key khánh thành năm 1977, các tàu chở hàng chạy bên dưới nó để cập bến Cảng Baltimore nhỏ và nhẹ hơn nhiều so với các tàu chở hàng ngày nay. Các trụ ngăn tàu xây dựng không lâu sau đó đã nhiều lần cứu nguy cho cây cầu. Năm 1980, một con tàu đâm vào trụ ngăn, nhưng nhờ vậy mà Cầu Francis Scott Key vẫn bình yên vô sự.

Tàu chở hàng ngày nay có tải trọng gấp 10 lần và kích cỡ gấp đôi so với lúc Cầu Francis Scott Key và các trụ ngăn được thiết kế. Hiệp hội Quan chức Cao tốc và Giao thông Hoa Kỳ (AASHTO), tổ chức thiết lập các tiêu chuẩn an toàn xây dựng cầu đường, đặt ra quy định những cầu mới xây, cũng như các bến cảng, phải có hệ thống bảo vệ chắc chắn.

Ảnh vệ tinh chụp các cây cầu nối đến 15 bến cảng nhộn nhịp nhất nước Mỹ cho thấy vẫn còn vài trường hợp giống Cầu Francis Scott Key - không có hệ thống phòng vệ trực tiếp dành cho trụ cột chính. Thông thường, trụ cầu chính sẽ được bảo vệ bởi đệm chắn, dải đá hay dải đất hay mảng bê tông đặt ngầm; số lượng cầu sử dụng trụ chắn hoặc hoàn toàn không có phương pháp bảo vệ là rất ít.

Quy định không yêu cầu gia cố, thay mới các trụ chắn cho những cây cầu cũ. Năm 1991, AASHTO thiết lập quy trình kiểm tra cầu nhằm để xác định cầu có cần nâng cấp hay không.

John Hanson, CEO Cục Cảng Sông Delaware - cơ quan có trách nhiệm trông coi 4 cây cầu bắc ngang Sông Delaware giữa Pennsylvania và New Jersey, cho biết công tác đánh giá điểm yếu các cây cầu đã thực hiện vào năm 2003, nhận định không cần phải xây mới trụ chắn tàu của Cầu Besty Ross ở Philadelphia. Trong số 15 cây cầu nối tới các cảng đông đúc, Betsy Ross có nhiều điểm tương đồng về kết cấu với Cầu Francis Scott Key nhất, bao gồm việc sử dụng trụ chắn để bảo vệ cầu.



Cầu Betsy Ross tại Philadelphia cũng thuộc loại cầu giàn nguyên khối như Cầu Francis Scott Key và cũng có 4 trụ ngăn tàu xung quanh - Ảnh: Cục Cảng sông Delaware

Song, ảnh vệ tinh cho thấy các trụ chắn quanh Cầu Betsy Ross vẫn chắc chắn hơn nhiều so với hệ thống bảo vệ Cầu Francis Scott Key, theo Kim Roddis, Kỹ sư xây dựng kiêm giáo sư tại Đại học George Washington. Ông cho biết: “Hệ thống bảo vệ bên Cầu Betsy Ross tốt hơn rất nhiều; một trong số các trụ chắn có kích cỡ khá to.”

Được biết Sở Vận tải Maryland hàng năm thực hiện báo cáo đánh giá hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông của bang nhằm xác định ưu tiên phân bổ nguồn đầu tư.

Theo báo cáo năm 2017, Cầu Francis Scott Key được đề xuất cần sửa chữa. Ảnh vệ tinh cho thấy từ 2019 đến 2022, hai trạm phát sóng được xây song song với cầu. Song, cũng qua hình ảnh, dễ thấy kích cỡ các trụ chắn vẫn giữ nguyên kích thước như khi mới xây xong vào năm 1978. Nói cách khác, độ lớn của chúng không được cải thiện đáng kể trong suốt nhiều thập kỷ qua.

Giáo sư Roberto Leon nhận xét chính quyền bang lâm vào thế khó khi quyết định chi tiêu ngân sách cho cơ sở hạ tầng: “Ngân sách nhiều năm qua lúc nào cũng eo hẹp. Vì vậy họ thường chú tâm đến những vấn đề họ cho là cấp thiết hơn.”

Song, ông cũng nói trì hoãn những công tác bảo trì, nâng cấp tất nhiên sẽ gây ra hậu quả khôn lường: “Thật không may là chúng ta đã lơ là quá lâu. Không một hoạt động bảo trì tới nơi tới chốn nào được thực hiện, cũng chẳng có gì gọi là nâng cấp thật sự phù hợp. Và giờ trước mắt ta là thảm hoạ này đây.”

Theo Phys.org

SIU Review - số 135

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán