Trang chủ»Văn học - Nghệ thuật»Sân khấu & Điện ảnh

Sân khấu & Điện ảnh

Cascadeur - người ẩn mình sau hào quang vai diễn

Khi kẻ hung ác rơi xuống từ một tòa nhà chọc trời hay nhân vật anh hùng thoát khỏi một vụ nổ khủng khiếp, bạn có thể tưởng mình đang xem những ngôi sao hành động. Nhưng thực tế có thể đó là diễn xuất của cascadeur.

Tại phim trường Ấn Độ, 10 cascadeur Việt Nam được mời sang tham gia cùng 16 cascadeur Ấn Độ trong một cảnh quay khó. Chỉ đạo võ thuật yêu cầu 26 cascadeur sẽ cùng bay một lượt lên khán đài, để truy bắt nhân vật chính. Hai chiếc xe tải bên ngoài nhà thi đấu cột 26 cọng dây cáp, có nhiệm vụ nhấn ga cho xe chạy để kéo 26 người bay lên. Tai nạn xảy ra khi hệ thống dây kéo sớm hơn dự định, 22 người phải vào bệnh viện cấp cứu… Đó là một trong những tình huống rủi ro của nghề cascadeur để cống hiến cho khán giả những pha mạo hiểm đẹp mắt.



Một cảnh quay huy động nhiều cascadeu - nguồn: Thế giới điện ảnh

Cụm từ cascadeur (diễn viên đóng thế) ra đời và phát triển sớm cùng với bộ môn nghệ thuật thứ bảy. Nguyên nhân bởi rất ít diễn viên chuyên nghiệp đủ sức, đủ gan dạ để tự đóng hoặc các đạo diễn không muốn cho diễn viên của mình mạo hiểm nên cần đến cascadeur. Trên phim trường, cascadeur không diễn bằng lời mà bằng các pha hành động mạo hiểm. Hầu hết những cảnh quay đánh đấm, nhào lộn, nhảy lầu, té xe, rượt đuổi, thậm chí toàn thân bốc cháy… khiến khán giả thích thú khi xem phim đều do các cascadeur đảm nhận.

Để được các đạo diễn tín nhiệm, ngoài có khả năng võ thuật tốt, các cascadeur còn phải thành thạo đồng thời nhiều kỹ năng khác nhau như: lái ca nô, xe tải, xe container, xe môtô phân khối lớn, đu dây, ngụp lặn, nhảy lầu, nhào lộn, kinh công, phi ngựa, đua xe… Có 3 loại hành động dành cho cascadeur là: hiệu quả thực (từ rơi, ngã trong khoảng cách gần đến đánh đấm), hiệu quả cơ học (có sự trợ giúp của máy móc, như khi tiếp xúc với lửa hay ngã từ độ cao chóng mặt), và hiệu quả du hành (có thể sử dụng thành thạo các loại phương tiện, từ xe hơi đến tàu thuyền và máy bay). Cascadeur được huấn luyện kỹ càng để biết sử dụng súng, cưỡi ngựa và tiếp xúc trực tiếp với lửa mà không bị bỏng.

Khi phim hành động, võ thuật, hình sự… ngày càng được yêu thích thì cascadeur có nhiều cơ hội xuất hiện trên phim và mức độ nguy hiểm cũng cao hơn. Trong các pha hành động, hình ảnh cascadeur người đầy sẹo, bị chấn thương, thâm tím, hay chân tay bị bong gân, trật khớp… là hết sức bình thường. Nói theo lời đạo diễn Phillip Noyce trong bộ phim “Người Mỹ trầm lặng” thì “Cascadeur giỏi là người không để tai nạn xảy ra”. Với bản thân cascadeur thách thức lớn nhất là vượt qua chính bản thân mình khi đối mặt với những pha đóng thế nguy hiểm. 



Cascadeur Lữ Đắc Long với cảnh bốc cháy trong phim ca nhạc "Thần điêu đại hiệp" - nguồn: baomoi.com

Để trụ vững với nghề, cascadeur ngoài đam mê, còn phải quyết đoán, gan lì và có trình độ nhất định về thể thao, đặc biệt là võ thuật. Vì đây là nghề nguy hiểm nhất thế giới nên không có công ty bảo hiểm nào dám nhận bảo hiểm cho cascadeur. Thế nhưng nhiều diễn viên đóng thế vẫn bám nghề do hầu hết cascadeur đều xuất phát từ đam mê và tình yêu điện ảnh vì thời gian đầu có rất ít cơ sở đào tạo nghề này. Về sau để phục vụ cho nền công nghiệp điện ảnh, ở các nước trên thế giới đã xuất hiện những trường chuyên đào tạo cascadeur một cách chuyên nghiệp và quy mô. Câu lạc bộ cascadeur Quốc Thịnh là một trong những câu lạc bộ đào tạo cascadeur đầu tiên tại Việt Nam, hiện có 30 thành viên, tuổi từ 13 đến 30, trong đó có 5 nữ diễn viên. 

Là người ẩn mình sau hào quang vai diễn, nhưng một số ngôi sao cũng thành danh khi khởi nghiệp là một cascadeur, như trường hợp của Thành Long. Thành Long bắt đầu học vũ đạo và võ thuật ở Viện Kịch nghệ Trung Quốc lúc mới lên 6 tuổi. Đây là nền tảng vững chắc giúp Thành Long có điều kiện bước vào điện ảnh với những bộ phim võ thuật nổi tiếng khắp thế giới.

Ở Việt Nam, Johnny Trí Nguyễn từ một cascadeur trở về từ Hollywood đã nhanh chóng trở thành ngôi sao điện ảnh nổi tiếng. Ngoài làm diễn viên (đã đóng chính trong các phim điện ảnh: Nụ hôn thần chết, Hồn Trương Ba da hàng thịt, Dòng máu anh hùng, Bẫy rồng, Tèo em...) Johnny Trí Nguyễn còn đảm nhận xuất sắc vai trò đạo diễn võ thuật - hành động trong các dự án phim điện ảnh lớn như: Dòng máu anh hùng, Bẫy rồng, Khát vọng Thăng Long... Johnny Trí Nguyễn cũng đã mở một trung tâm đào tạo võ thuật điện ảnh, nghề cascadeur và diễn viên phim hành động để truyền dạy cho đàn em những kinh nghiệm về nghề của mình.



Johnny Trí Nguyễn là cascadeur thế vai trong phim "Người nhện 1" và "Người nhện 2" - nguồn: Allocine.fr

Để tôn vinh nghề nghiệp nguy hiểm này, các tổ chức cascadeur đã sáng lập một giải thưởng riêng. Đó là giải Taurus World Stunt Awards bao gồm nhiều thứ hạng, từ cảnh chiến đấu hay nhất đến pha đua xe ngoạn mục nhất.

Thùy Giang
(Tổng hợp)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán