Trang chủ»Toàn cảnh thế giới»Toàn cảnh thế giới

Toàn cảnh thế giới

Vụ giẫm đạp lễ hội Halloween tại Hàn Quốc diễn ra như thế nào?

Vài ngày sau vụ giẫm đạp tang thương trong lễ Halloween ở thủ đô Hàn Quốc khiến 156 người thiệt mạng, nhiều câu chuyện xoay quanh các cuộc điện thoại kêu cứu không hồi đáp cũng dần nổi lên.



Ba hướng di chuyển của dòng người trong vụ giẫm đạp ở Itaewon - Ảnh: koreaboo.com

Theo ghi nhận, đường dây khẩn của cảnh sát nhận cuộc gọi cầu cứu đầu tiên 4 tiếng trước khi thảm họa xảy ra, tức 4 tiếng trước khi nhiều người kẹt lại trong một con hẻm nhỏ ở Itaewon, không thể cử động hay hít thở. Tuy cuối cùng 4 nhóm cảnh sát cũng được cử đến hiện trường, lúc họ đến nơi thì mọi chuyện đã muộn.

Các đoạn video ghi lại rõ cảnh những người tham gia tiệc tùng từ vui vẻ, đến sợ hãi, hoảng loạn khi sự cố dần vượt ngoài tầm kiểm soát.

Gia đình nạn nhân đau buồn tiễn đưa người thân - hầu hết là những người ở độ tuổi vừa đôi mươi. Dư luận trong lúc này cũng ngày một sôi sục, yêu cầu chính quyền phải có câu trả lời xác đáng cho câu hỏi vì sao thảm họa này lại diễn ra.

Những lời kêu cứu đầu tiên

Itaewon là nơi tập trung nhiều bạn trẻ trong dịp Halloween, lễ hội kéo dài nhiều ngày trước đêm 31/10. Người vui chơi tại Itaewon thường hóa trang và đi đến cac quán bar và vũ trường để giải trí.

Từ ga tàu điện ngầm Itaewon, khách bộ hành có thể đi lên mặt đất và băng qua một con hẻm dốc rộng 4 mét giữa khách sạn Hamilton và một số cửa hiệu để đến cung đường nơi các hoạt động náo nhiệt diễn ra. Vào những ngày cuối tuần, con hẻm nhộn nhịp người qua lại, tạo bầu không khí lễ hội vô cùng phù hợp với những dịp gặp mặt và tiệc tùng cùng bạn bè.

Khoảng 4 giờ chiều ngày 29/10, người qua hẻm dần “đông đúc lên hẳn”, theo lời của Park Chang-ki, nhân viên giữ xe tại một khu vực đối diện với con hẻm tử thần. Đến 5 giờ chiều, con hẻm chật cứng, theo lời kể của chủ một nhà hàng trong hẻm.

Lúc 6:34, cảnh sát nhận được cuộc gọi kêu cứu đầu tiên trong tổng số 11 cuộc gọi yêu cầu cảnh sát kiểm soát đám đông và hỗ trợ cấp cứu.



Dòng người tại Itaewon, vốn đã đông từ chiều 29/10, trở nên dày đặc khi đêm đến - Ảnh: Song Sehyun

Người gọi điện đầu tiên nói: “Tình hình trong hẻm rất nguy kịch… Mọi người có thể bị đè đến chết. Tôi may mắn vừa thoát khỏi đó, các anh nên cử người đến kiểm soát đi, người đến đây ngày càng đông.” Sĩ quan trực điện thoại trả lời: “Cảnh sát sẽ đến kiểm tra.”

Nhân viên giữ xe Park cho biết người trong hẻm bắt đầu túa ra các đường chính lúc 7 giờ tối. Cuộc gọi cầu cứu thứ hai được ghi nhận chỉ ngay sau 8 giờ. Người gọi cho biết mọi người xô đẩy nhau và đã có người ngã, bị thương: “Đám đông rất hoảng loạn… phải kiểm soát bằng một cách nào đó.”

Tình hình dần vượt quá tầm kiểm soát trong khoảng 8 đến 9 giờ tối. Các video cho thấy đường phố Itaewon chật kín, người đứng sau đẩy người đứng trước tạo thành sóng người di chuyển chậm chạp, trong khi các quán bar và vũ trường vẫn mở nhạc xập xình.

Seoul nói chung và Itaewon nói riêng không còn xa lạ gì với cảnh người chen lấn cuối tuần. Một vài chuyên gia cho rằng tính chủ quan, xem các cảnh chen chúc là điều đương nhiên cũng góp phần không nhỏ vào thảm họa.

Trong một video tự quay lúc 8:41, sinh viên trao đổi người Pháp Anne-Lou Chevalier cùng các bạn lạc trong dòng người gần như bất động, song vẫn cười đùa. Chevalier nhớ lại: “Lúc đầu chúng tôi thấy số lượng người đông như vậy cũng khá là vui. Trước đó nhiều người đã nói Halloween tại Itaewon tuyệt vời đến thế nào.”

Song, trong đoạn video quay chỉ vài phút sau đó, mọi người bắt đầu lo lắng khi một trong số các bạn của Chevalier nói: “Đừng để bị ngã đó.” Và người khác kêu lên: “Tớ sợ lắm.” Chevalier cho biết không lâu sau, cô cảm thấy mình bị đè ép và bất tỉnh. Theo một tấm hình chụp lúc 8:58, cô sinh viên được hai người đàn ông khiêng ra khỏi đám đông.

Đến 9 giờ, một người nữa gọi đến cảnh sát, yêu cầu: “Các anh hãy gửi đội cấp cứu đến đây ngay… thảm họa có thể xảy đến bất cứ lúc nào.”

Nhiều người khác cũng gọi điện báo nhiều người hiện bị giẫm đạp, tình hình mỗi lúc một “tệ hại”. Một người gọi cảnh sát lúc 9:02 chỉ nói vỏn vẹn: “Có người sẽ chết.”

Số thương vong đầu tiên

Đến 9:30, các con đường chật kín người. Khách bộ hành còn không thể tiếp cận ga tàu điện ngầm, vậy mà người người vẫn đổ vào trong hẻm. Mối họa giờ đã rõ ràng.

Ian Chang, sinh viên 21 tuổi từ Florida đến Itaewon khoảng 9:40 hẹn gặp một sinh viên trao đổi người Mỹ khác tên Steven Blesi. Vì thấy đám đông quá khủng khiếp, vào lúc 10:17, Chang nhắn tin bảo Blesi không nên đến khu phố Itaewon nữa. Không rõ tin nhắn có đến được Blesi hay không, chỉ biết rằng đáng buồn thay, anh là một trong hai người Mỹ thiệt mạng trong đêm kinh hoàng; nạn nhân còn lại là Anne Gieske, một cô gái 20 tuổi đến từ Kentucky.

Khoảng 10 giờ kém, Emily Farmer, giáo viên dạy tiếng Anh tại Seoul, may mắn chen vào được một quán bar trong hẻm sau khi luồn qua dòng người. Không lâu sau, cô nghe tin đã có người chết và vì vậy, mọi người trong quán bar không được phép rời khỏi đó.

Đến 10:21, tình huống nguy kịch đi trông thấy. Một bức ảnh chụp được cho thấy có người đàn ông cố gắng trèo lên tường để thoát thân, và người xung quanh đó hô hào cổ vũ mà không biết chuyện gì đang xảy ra. Vài phút sau, cảnh sát nhận được tin đã có người “bị chôn vùi” dưới đám đông.



Một người đàn ông cố trèo tường để thoát khỏi đám đông - Ảnh: Yurim

Các cơ quan chức trách vội vã đến hiện trường, chứng kiến cảnh khốc liệt: “Chỉ thấy 10 hàng chồng lấn nhau, toàn là mặt người, chẳng thấy chân họ đâu.” Một nhân viên cấp cứu cho biết sau khi cố gắng kéo những người ở hàng thấp nhất ra “và đặt họ (trên nền đất), đa số đều bất tỉnh”.

Số lượng người dày đặc cũng khiến cảnh sát khó với tới những ai thật sự cần giúp đỡ. Mạng xã hội dần tràn ngập các video sơ cấp cứu cùng những người dự tiệc nằm vật vờ chờ được hỗ trợ y tế.

Sophia Akhiyat, bác sĩ người Mỹ có mặt tại Itaewon tối đó, cho biết cô được đưa đến chỗ các nạn nhân ngay khi nói với sĩ quan cô có thể giúp đỡ họ: “Tôi thấy choáng ngợp nhưng cũng đủ bình tĩnh thực hiện hồi sức tim phổi với nạn nhân đầu tiên gặp được. Tình hình lúc đó vô cùng hoảng loạn, nạn nhân nằm nhoài ra khắp hè phố, người dự tiệc vẫn đổ về hiện trường, nhạc vẫn inh ỏi tại các nhà hàng và quán bar, trong khi mọi người vẫn không biết đang có chuyện gì diễn ra.”

Chuyện càng rối rắm hơn khi nhiều người nhầm lẫn các viên cảnh sát chỉ là người dự tiệc hóa trang. Một nhân chứng 20 tuổi xin giấu tên cho biết khi một viên cảnh sát đến điều động đám đông, có người còn hỏi lại: “Anh ta có phải cảnh sát thật không đấy?”

Đến 11:46 tối, Thông tấn xã Yonhap của Hàn Quốc đưa tin hàng chục người cần được sơ cấp cứu vì bị “ngưng tim”. Các hình ảnh chụp trong khoảng thời gian này cho thấy xe cảnh sát đỗ đầy đường và các sĩ quan chặn đường đến khu vực.

Xe cấp cứu đến hiện trường

Lúc 11:55, chính quyền thủ đô Seoul thông báo khẩn cấp cho người dân Itaewon và yêu cầu phương tiện tránh xa khu vực này vì “tai nạn xảy ra gần khách sạn Hamilton”. Tin cấp báo có đoạn: “Xin quý công dân vui lòng quay về nhà sớm nhất có thể.” Tin này được phát đi phát lại nhiều lần trong các giờ tiếp theo.

Sau 5 tiếng từ cuộc gọi kêu cứu đầu tiên, tin về thảm họa bắt đầu lan truyền trên mạng xã hội.

Khoảng 12:14 đêm, Cục Cảnh sát Quốc gia lần đầu báo cáo tình hình thảm họa cho Cục Trưởng Yoon Hee-keun, theo Yonhap.

Tổng thống Yoon Suk Yeol sau đó cử một nhóm hỗ trợ y tế đến Itaewon và ra lệnh cho các bệnh viện chuẩn bị sẵn giường cấp cứu.

Đến 12:30, mức độ tàn khốc của thảm họa hiện rõ. Ảnh chụp cho thấy các bao tử thi xanh dương xếp dài dọc đường, trong khi nhân viên cứu hộ cáng những du khách ngạt thở lên xe cấp cứu.

Khoảng 1 giờ hơn, giới chức trách lần đầu công bố số người tử vong - 59 người. Lúc này, nạn nhân được gấp rút đưa đến những bệnh viện gần đó, trong khi các thi thể được chuyển đến nhiều nhà xác. Chính quyền Seoul cũng bắt đầu nhận được vô số tin báo tìm người thất lạc, đánh dấu bước đầu tiên trong công tác xác định danh tính các nạn nhân.

Đến 6 giờ sáng hôm 30/10, nhiều gia đình tại Hàn Quốc nhận được tin dữ ngay khi thức dậy. Họ đau đớn tìm kiếm thân nhân trong vô vọng, khi số thương vong lên đến 149. Con số này nhích lên từ từ những người sau đó khi nhiều nạn nhân qua đời trong bệnh viện, nâng tổng số người thiệt mạng lên 156. Bầu không khí kinh hoàng và hoảng sợ của đêm hội giờ chuyển thành làn sóng giận dữ, kêu gọi chính quyền tìm ra người chịu trách nhiệm.



Tổng thống Yoon Suk Yeol họp vào đêm 30/10 - Ảnh: Yurim

Sáng 31/10, các nhà chức trách báo tin họ không có quy trình ứng phó với những sự kiện tụ tập đông người mà không xác định được đơn vị tổ chức cụ thể. Thủ tướng Hàn cũng nhận định thảm họa này bộc lộ “lỗ hổng trong kinh nghiệm và kỹ năng quản lý các đám đông của các cơ quan Hàn Quốc”.

Đến 1/11, cảnh sát trưởng của lực lượng công an quốc gia thừa nhận phía cảnh sát đã “chậm trễ” trong công tác ứng phó, đồng thời thông báo một đội đặc biệt đang tiến hành điều tra và hứa hẹn sẽ minh bạch về mọi phát hiện. Được biết cuộc điều tra sẽ tìm hiểu vì sao chỉ 4 nhóm cảnh sát được điều động đến hiện trường mặc dù số cuộc gọi cầu cứu không hề ít.

Vào ngày 2/11, đội điều tra đặc biệt tiến hành lục soát các đơn vị cảnh sát khắp Seoul, tịch thu nhiều báo cáo và hồ sơ nội bộ về các cuộc gọi khẩn cấp tối 29/10. Trong lúc đó, trưởng cảnh sát Sở Yongsan - vốn chịu trách nhiệm khu vực Itaewon - bị đình chỉ công tác và người mới được bổ nhiệm. Hiện cuộc điều tra vẫn còn tiếp diễn.

Theo CNN

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán