Trang chủ»Toàn cảnh thế giới»Toàn cảnh thế giới

Toàn cảnh thế giới

Vụ mạo danh trên Twitter bộc lộ vấn đề insulin ở Mỹ

Bằng dòng tweet công bố insulin sẽ được cấp miễn phí, một tài khoản dược mạo danh trên Twitter dấy lên làn sóng phẫn nộ.



Tháng 9/2019, người phản đối Eli Lilly đứng ngoài trụ sở công ty tại Thành phố New York, nâng bảng “Insulin cần phải được miễn phí” nhằm tưởng nhớ những nạn nhân qua đời vì không thể mua được insulin, đồng thời kêu gọi cắt giảm giá insulin - Ảnh: Erik McGregor/Getty Images

Mạng xã hội Twitter trải qua nhiều ngày đầy biến động sau khi tỷ phú Elon Musk đảm nhiệm vai trò CEO của công ty. Giữa vô vàn những tài khoản mạo danh và hàng loạt thay đổi chính sách, một cuộc tranh luận sục sôi bỗng xuất hiện xoay quanh chủ đề ít ai ngờ tới - giá insulin cao ngất ngưởng.

Chiều ngày 10/11, một tài khoản mạo danh tập đoàn dược phẩm Eli Lilly, @EliLillyandCo, có để hình đại diện logo của tập đoàn, xuất hiện. Tài khoản này có cả tick xanh, vốn trước kia chỉ dành cho các tài khoản đã xác thực danh tính, song giờ lại dành cho bất cứ tài khoản nào có trả cước phí 8 USD/tháng. Tài khoản này chỉ đăng vỏn vẹn một dòng: “Chúng tôi xin báo tin đáng mừng là insulin giờ đã miễn phí.” Tất nhiên, đây là điều sai sự thật.

Dòng tweet trụ lại ít nhất 4 tiếng, được tweet lại hơn 1.798 lượt, thu về khoảng 12.800 lượt like trước khi tài khoản bị cài về chế độ riêng tư, chỉ có người theo dõi mới xem được nội dung. Tài khoản này hiện không có người theo dõi nào.

Sau đó, tài khoản Eli Lilly chính chủ, @LillyPad, xác minh thông tin insulin miễn phí là sai sự thật bằng bài đăng lúc 4:09 chiều: “Chúng tôi thành thật xin lỗi những ai đã nhận được tin từ tài khoản giả mạo Lilly. Tài khoản chính thức của chúng tôi là @LillyPad.”

Cơn giận dữ theo sau

Dòng tweet chính chủ trên không đủ sức ngăn lại làn sóng giận dữ về giá cả insulin tại Mỹ theo sau. Một người dùng Twitter có đăng: “Hãy xin lỗi những người tiểu đường vì đã hét giá insulin.” Người dùng khác lên tiếng: “Tại sao các người không cung cấp insulin với giá phải chăng mà lại đi xin lỗi?”

Nguyên do của các dòng tweet trên cũng khá rõ. Insulin - loại hormone do cơ thể người sản xuất có khả năng phân giải và sử dụng năng lượng từ đường máu (glucose) - là phương thuốc sống còn với hơn 37,3 triệu người Mỹ mắc bệnh tiểu đường, chứng bệnh khiến các tế bào cơ thể không còn khả năng sử dụng năng lượng từ đường máu. Khoảng 8,4 triệu người Mỹ cần insulin để sống sót qua ngày, theo Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ. Mỗi lọ insulin thường chỉ tốn khoảng 10 USD chi phí sản xuất, song các đơn insulin hàng tháng lại lên đến hàng trăm đô-la.

Chẳng hạn, Humalog U-100, một trong các sản phẩm của Eli Lilly, có giá niêm yết đến 274,70 USD, và đó chỉ là giá của một lọ 10 ml. Người bị tiểu đường cần sử dụng hai, có khi là ba, bốn lọ như thế mỗi tháng. Một sản phẩm khác của Eli Lilly là Humalog U-100 KwikPens, có giá niêm yết 530,40 USD cho một gói 5 lọ 3 ml. Eli Lilly cũng có sản phẩm Lispro Injection U-100 với giá niêm yết 82,41 USD cho một lọ 10 ml hay 159,12 USD cho gói 5 lọ 3 ml - và đây là loại phải chăng nhất. Tập đoàn này năm 2021 có hạ giá Lispro xuống 40% do dư luận phản đối.

Bế tắc giải pháp

Giá insulin có thể là gánh nặng tài chính đối với nhiều người Mỹ. Một số người dùng insulin tằn tiện, không đúng với mức đủ để kiểm soát lượng đường huyết theo khuyến cáo. Đây là hành động đánh cược mạng sống của mình. Song, một nghiên cứu gần đây đăng trong tạp chí y khoa Annals of Internal Medicine cho thấy có đến 1,3 triệu người Mỹ - tức hơn 15% người sử dụng insulin - phải sử dụng insulin tiết kiệm, chấp nhận nguy cơ đối mặt với cái chết.

Hỗ trợ tuy sẽ có trong tương lai gần, nhưng chỉ dành cho một số đối tượng nhất định. Đạo luật Giảm thiểu Lạm phát, ký kết tháng 8 và có hiệu lực năm 2023, đặt mức trần cho các sản phẩm insulin không bao gộp trong bảo hiểm y tế là 35 USD/tháng cho những người thuộc Medicare. Song, mức trần cho những sản phẩm insulin thương mại không được thông qua, và những người không có bảo hiểm y tế cũng không có giải pháp hỗ trợ nào. Đây là thực tế đáng báo động bởi theo nghiên cứu nêu trên, phần lớn những người phải tằn tiện insulin là những người dưới 65 tuổi, tức chưa đủ tuổi tham gia Medicare.

Vì vậy, làn sóng giận dữ vẫn tiếp tục dâng trào trên một nền tảng Twitter vốn đã rất hỗn độn. Cuối ngày 10/11, một tài khoản khác mạo danh Eli Lilly, @LillyPadCo, nhại lại lời xin lỗi của tập đoàn: “Chúng tôi thành thật xin lỗi những ai đã nhận được tin từ tài khoản giả mạo Lilly. Giá của Humalog giờ là 400 USD. Chúng tôi có thể đẩy giá lên bất cứ khi nào chúng tôi thích và không ai có thể làm gì chúng tôi cả. Chịu trận đi. Tài khoản Twitter chính thức của chúng tôi là @LillyPadCo.” Tài khoản còn đôi co với các phản hồi: “Giờ lên 500 USD rồi đấy, còn có ý kiến gì nữa không?” Tài khoản mạo danh này bị cấm ngay sau đó.

Theo arstechnica.com

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán