Trang chủ»Toàn cảnh thế giới»Toàn cảnh thế giới

Toàn cảnh thế giới

Đợt nóng tại Ấn Độ và Pakistan thử thách sức chịu đựng của con người

Nhiệt độ tại nhiều nơi ở Ấn Độ và Pakistan đạt ngưỡng kỷ lục, khiến đời sống hàng triệu người dân bấp bênh. Toàn bộ khu vực có thể nhận thấy rõ tác động của biến đổi khí hậu.



Lòng sông Yamuna (New Delhi, Ấn Độ) khô cạn hôm 01/5/2022 - Ảnh: Sonu Mewta/Hindustan/Getty Images

Theo Bộ Khí tượng Ấn Độ (IMD), nhiệt độ tối đa trung bình ở vùng Tây Bắc và trung tâm vào tháng 4 vừa qua đạt mức cao nhất trong vòng 122 năm trở lại đây: 35,9°C ở vùng Tây Bắc và 37,78°C ở trung tâm.

Trong tháng 4/2022, New Delhi phải trải qua 7 ngày liên tiếp nhiệt độ vượt ngưỡng 40°C, cao hơn 3°C so với trung bình nhiệt tháng 4. Tại nhiều bang, vì nắng nóng mà nhiều trường học đóng cửa, mùa màng thất bát, và nhà điện gặp áp lực khi giới chức trách yêu cầu người dân phải ở yên trong nhà cũng như uống nhiều nước.

Đợt nóng này còn ảnh hưởng đến quốc gia Pakistan láng giềng. Hai thành phố Jacobabad và Sibi tại tỉnh Sindh, phía Đông Nam Pakistan ghi nhận nhiệt độ cao kỷ lục 47°C vào ngày 29/4, theo thông tin từ Bộ Khí tượng Pakistan (PMD). Cũng theo PMD, đây là nhiệt độ cao nhất trên toàn bộ Bắc Bán cầu ghi nhận hôm 29/4/2022.

Sherry Rehman, Bộ trưởng Biến đổi Khí hậu Pakistan, phát biểu: “Đây là lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ, Pakistan không đón được mùa xuân.”

Theo IMD, nền nhiệt tại Ấn Độ có thể khả quan hơn và đầu tháng 5, sau khi giảm từ 3 đến 4°C. Tại Pakistan, nền nhiệt đầu tháng 5 cũng được dự kiến sẽ trở về mức trung bình - tức gần 40°C.

Song, các chuyên gia khí tượng cho rằng biến đổi khí hậu sẽ gây ra thêm nhiều đợt nắng nóng dài hơn, thường xuyên hơn trong tương lai gần, ảnh hưởng đến hàng tỷ người sinh sống tại cả hai quốc gia này. Ấn Độ được xếp vào danh sách các quốc gia chịu tác động nặng nề từ vấn đề khủng hoảng khí hậu, theo Uỷ ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC).

Tiến sĩ Chandni Singh, ủy viên IPCC, đồng thời là nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Cư trú Ấn Độ, cho biết: “Đợt nóng lần này là sự kiện vô tiền khoáng hậu. Chúng ta có thể thấy rõ thay đổi về cường độ đợt nóng, thời điểm xảy ra, và mức độ kéo dài của nó. Đây là những gì các chuyên gia khí hậu đã cảnh báo. Chúng chắc chắn sẽ có tác động tiêu cực đến sức khoẻ con người.”

Mùa màng thất bát

Ấn Độ thường đón đợt nắng nóng vào những tháng mùa hè như tháng 5-6. Nhưng nhiệt độ năm nay đã bắt đầu tăng cao từ tháng 3-4. Tại Bang Punjab, phía Bắc Ấn Độ, nơi được gọi là “vựa bánh mì”, nhiệt độ tăng cao không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người nông dân mà còn đến các cánh đồng lúa mì giúp họ nuôi sống gia đình và phục vụ bán buôn.

Gurvinder Singh (không có liên hệ với Chandni), giám đốc ban nông nghiệp tại Punjab, cho biết mức tăng 7°C vào tháng 4 đã làm giảm sản lượng lúa mì: “Vì đợt nóng vừa qua mà sản lượng vụ tháng 4 sụt giảm hơn 5 tạ trên mỗi hecta.”

Chandni Singh nói nông dân dễ gặp tác động xấu từ cái nóng oi bức: “Những người làm việc ngoài trời như nông dân, thợ hồ, các công việc chân tay,… sẽ chịu nhiều tác hại hơn. Họ không có quá nhiều phương tiện làm mát và khó tránh được cái nóng gay gắt.”

Đóng cửa trường học và cắt điện

Tại một vài nơi ở Ấn Độ, nhu cầu điện tăng cao đã làm cạn kiệt nguồn than, khiến hàng triệu người dân mất điện đến hơn 9 tiếng mỗi ngày. Trong tuần đầu tháng 5, trữ lượng than tại 3 trong số 5 nhà máy nhiệt điện tại Delhi chạm mức thấp đáng báo động, tức dưới 25%, theo Bộ Năng lượng Delhi.

Được biết mạng lưới tàu hỏa Ấn Độ đóng vai trò then chốt trong bước vận chuyển than đến các nhà máy nhiệt điện. Theo Bộ Đường sắt, nước này đã phải hủy hơn 650 chuyến tàu dân dụng trong hết tháng 5 để các tàu chở than có thể kịp làm đầy kho trữ tại các nhà máy.



Người dân tại Lahore, Pakistan, xuống kênh tắm giải nhiệt - Ảnh: Arif Ali/AFP/Getty Images

Một số bang tại Ấn Độ, như Tây Bengal và Odisha, đã đóng cửa các trường học trước tình hình nắng nóng oi bức. Mamata Banerjee, Thủ hiến Tây Bengal, có phát biểu: “Các em phải đi đường xa đến trường học đều bị chảy máu cam do không chịu nổi cái nóng.”

Trong những năm gần đây, chính phủ ở cả cấp quốc gia lẫn cấp bang đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu ảnh hưởng xấu do các đợt nóng mang lại. Trong số các giải pháp có quyết định đóng cửa các trường học và phổ biến khuyến cáo y tế cho cộng đồng.

Song, theo Chandni Singh, để chuẩn bị cho những đợt nóng trong tương lai, ta cần phải thực hiện nhiều hành động hơn: “Chúng ta chưa có một kế hoạch hành động cụ thể nhằm đối phó các đợt nóng và các kế hoạch hiện tại đều có lỗ hổng. Khả năng thích nghi của con người là có giới hạn và đợt nóng lần này đã thách thức cùng cực sức chịu đựng của con người.”

Theo CNN

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán