Trang chủ»Toàn cảnh thế giới»Toàn cảnh thế giới

Toàn cảnh thế giới

Hệ thống lọc nước đầu tiên ở Tây Bán cầu được xây dựng bởi người Maya

Thành bang Tikal của người Maya vốn nổi tiếng với những cung điện và đền thờ nguy nga tráng lệ, nhưng thứ giúp cho Tikal hoạt động lại khiêm tốn hơn nhiều. Đó chính là hệ thống lọc nước của họ - hệ thống cổ xưa nhất trên thế giới. Các nhà nghiên cứu gần đây đã phát hiện ra một loại khoáng chất núi lửa có khả năng thu giữ lại các vi sinh vật và kim loại nặng ở một trong những bể chứa nước lớn nhất của Tikal. Vì khoáng chất này không thể được tìm thấy ở khu vực lân cận, phát hiện trên có thể chính là minh chứng cho sự hiện diện của một bộ lọc được xây dựng có chủ đích.



Thành phố Tikal của người Maya có những ngôi đền nổi tiếng và cũng là nơi có hệ thống lọc nước zeolite sớm nhất trên thế giới - Ảnh: KENDALLRITTENOUR/ISTOCK.COM

Theo đồng tác giả nghiên cứu Kenneth Tankersley - nhà địa chất khảo cổ học tại Đại học Cincinnati (UC), phát hiện mới này đi ngược lại với quan niệm lâu đời rằng tiềm lực công nghệ của thế giới cổ đại chỉ tập trung ở những nơi như Hy Lạp, La Mã, Ai Cập và Trung Quốc. Theo ông, “Khi nói đến lọc nước thì người Maya đã đi trước cả thiên niên kỷ rồi.”

Ẩn mình trong những khu rừng nhiệt đới ở phía Bắc Guatemala, thành bang Tikal đã phát triển rực rỡ trong suốt hơn 1.000 năm. Vào thời kỳ đỉnh cao phồn thịnh cách đây khoảng năm 700 sau Công Nguyên, nơi này được ước tính là đã có hơn 45.000 cư dân sinh sống. “Đây là một trong những thành bang ưu việt của người Maya,” trích lời Nicholas Dunning, nhà địa chất khảo cổ học tại UC.

Tuy nhiên, người Tikal đã phải đối mặt với mùa khô hạn thường niên kéo dài từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Dự trữ nước trong các bể chứa là một giải pháp cho vấn đề này, nhưng nước dự trữ phải đảm bảo cho người dân có thể sử dụng trong sinh hoạt. Lisa Lucero, nhà khảo cổ học tại Đại học Illinois, người không tham gia vào nghiên cứu này, cho biết thêm: “Giữ cho nước sạch là một điều tối quan trọng.”

Vài năm trước, Dunning và các đồng nghiệp đã khai quật trầm tích từ các bể chứa nước của Tikal. Họ đã ngạc nhiên khi phát hiện ra bể Corriental, một trong những bể chứa lớn nhất, có độ nhiễm kim loại nặng, tảo sinh độc tố và các chất liên quan đến ô nhiễm phân thấp hơn hẳn những bể chứa khác. Theo lời ông Dunning thì “Chất lượng nước ở Corriental cao hơn rất nhiều.”

Nhóm nghiên cứu đã đưa ra giả thuyết về lý do người Maya chọn lọc nước ở bể Corriental. “Người Maya thường tắm trong vườn của họ,” trích lời Dunning. “Nước chảy vào trong bể chứa có thể đã không được sạch cho lắm.”

Nhóm nghiên cứu đã tiếp tục tìm hiểu sâu hơn về trầm tích ở dưới đáy bể chứa. Dấu tích đầu tiên của một tầng lọc nước cổ đại chính là thạch anh. Các nhà khoa học đã phát hiện 4 tầng khác nhau và mỗi tầng dày khoảng vài centimet chứa đầy những tinh thể li ti màu nâu. (Những tinh thể ở kích thước của hạt cát có thể được dùng để lọc nước, nhưng chúng không có khả năng loại bỏ hết tất cả các vi sinh vật có hại). Các nhà khoa học đã tiếp tục tiến hành nghiên cứu chi tiết những tinh thể này và phát hiện ra có nhiều tinh thể zeolite li ti lẫn trong đó. Loại khoáng chất núi lửa này có thể thanh lọc nước bằng cách giữ lại các vi sinh vật và kim loại nặng trong cấu trúc xốp của chúng và phương pháp này vẫn đang được sử dụng rộng rãi hiện nay. Theo Tankersley, “Gần như bất kể đồ uống nào của chúng ta, từ nước đóng chai cho tới rượu, đều được lọc qua một lớp zeolite.”

Người Maya có thể không biết đến sự tồn tại của zeolite trong đá, nhưng họ đã nhận ra được khả năng thanh lọc của loại đá này. Theo giả thuyết trong Báo cáo Khoa học tháng 10/2020 vừa qua, nhóm nghiên cứu cho rằng một nhóm đá giàu thạch anh và zeolite nằm cách Tikal khoảng 30km về phía Đông Bắc có thể đã là nguồn nguyên liệu để xây dựng bể chứa Corriental.

Đáng tiếc thay, chúng ta không có bất cứ bằng chứng trực tiếp nào về hình dáng của hệ thống lọc nước Corriental. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu có một ý tưởng: Có thể thảm dệt từ lau sậy dùng để giữ thạch anh và zeolite đã được đặt ở nước thượng nguồn của bể chứa. Việc sắp đặt hệ thống lọc như vậy sẽ dễ dàng bị lũ lụt cuốn trôi sau bão, và điều này giải thích được sự hiện diện của những lớp thạch anh và zeolite ở dưới đáy của bồn dự trữ.

Phát hiện này là một lời nhắc nhở mạnh mẽ cho chúng ta về khả năng công nghệ của người Maya cổ đại. “Những gì người cổ đại có thể làm được thật đáng kinh ngạc”, Lucero chia sẻ.

Theo sciencemag.org

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán