Trang chủ»Toàn cảnh thế giới»Toàn cảnh thế giới

Toàn cảnh thế giới

Trung Quốc chuẩn bị đưa đá mặt trăng trở lại Trái Đất lần đầu tiên kể từ những năm 1970

Những mẫu đá này sẽ được lấy từ một khu vực núi lửa hoạt động trong thời gian gần đây.



Các thành viên trong nhóm sứ mệnh Hằng Nga 5 của Trung Quốc đã tổ chức lễ phóng tàu vũ trụ vào ngày 24 tháng 11 năm 2020. Nhiệm vụ này nhằm mục đích đem về các mẫu vật đầu tiên từ Mặt Trăng kể từ năm 1976 - Ảnh: JIN LIWANG/XINHUA VIA GETTY IMAGES

Lần đầu tiên sau gần nửa thế kỷ, các nhà khoa học cuối cùng cũng sẽ được cầm trên tay những mẫu đá Mặt Trăng mới.

Tàu vũ trụ Hằng Nga 5 của cơ quan vũ trụ Trung Quốc đã hạ cánh thành công lên Mặt Trăng lúc 10:15 tối ngày 1 tháng 12 năm 2020 và có nhiệm vụ mang về Trái Đất mẫu đất từ một vùng chưa ai đặt chân tới trên Mặt Trăng sau vài tuần khám phá. Những mẫu đất này sẽ hé lộ thông tin quý giá về lịch sử của Mặt Trăng chưa được khám phá bởi những chuyến thăm dò trước đó.

Nhà khoa học Jessica Barnes của Đại học Arizona - người từng làm việc với mẫu đất Mặt Trăng được lấy về từ những đợt làm nhiệm vụ của Hoa Kỳ và Liên Xô những năm 1960-1970 chia sẻ: “Chúng tôi luôn bàn về chuyện quay trở lại và lấy thêm mẫu đất từ những vùng khác từ thời Apollo rồi. Cuối cùng thì ngày ấy cũng đã đến.”

Hằng Nga 5 - sứ mệnh mới nhất trong loạt sứ mệnh được đặt tên theo nữ thần Mặt Trăng của Trung Hoa, đã rời bệ phóng của Cục Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc ở Biển Đông vào hôm 23 tháng 11 và đã hạ cánh vào một khu vực núi lửa bằng phẳng nằm ở phía Tây Bắc mặt nhìn được của Mặt Trăng.

Nhà khoa học hành tinh Long Xiao của trường Đại học Khoa học Địa chất Trung Quốc (Vũ Hán) chia sẻ: “Tàu được trang bị một máy khoan và một muỗng xúc, và sẽ thu thập khoảng 2kg đất đá ở khu vực này, trong đó có cả mẫu đất lấy từ độ sâu 2m dưới bề mặt Mặt Trăng”.

Cũng theo Long Xiao, một trong những thử thách lớn nhất cho sứ mệnh này chính là việc khoan vào chất liệu đó. Một khi cắm vào, mũi khoan không để đổi hướng được nữa và sẽ cố khoan xuyên qua bất cứ thứ gì ở bên dưới. Nếu mũi khoan gặp phải một hòn đá lớn thì nó có thể bị hỏng. Đội kiểm soát của Hằng Nga 5 hi vọng rằng họ sẽ tìm được chỗ đất mịn và mềm.

Một khi mẫu đất về đến Trái Đất, chúng sẽ được lưu trữ và phân theo danh mục tại một trung tâm giám định ở Bắc Kinh. Sau đó họ sẽ phân phát chúng để các nhà khoa học nghiên cứu.

“Với những mẫu đất mới này, chúng ta có thể thêm một điểm mốc nữa vào lịch sử địa chất của Mặt Trăng,” Barnes nói. “Chúng ta sẽ hiểu thêm được, lịch sử núi lửa của Mặt Trăng hàng tỉ năm về trước như thế nào? Đó là thứ mà chúng ta không tìm hiểu được từ những mẫu đất đá hiện có.”

Cơ quan vũ trụ Trung Quốc cho biết họ muốn chia sẻ những mẫu này với những nhà khoa học nước ngoài. Một quy định được Quốc hội Hoa Kỳ đưa ra vào năm 2011 khiến cho việc trao đổi, hợp tác giữa các nhà khoa học Trung Quốc và Mỹ khó khăn hơn, nên hiện vẫn chưa rõ ai sẽ được nghiên cứu những mẫu đá này. Nhưng chúng ta biết được rằng những mẫu mới này sẽ được gửi ra khỏi Trung Quốc.

“Chuyện ai được nghiên cứu không quan trọng,” Barnes nói. “Cả thế giới nên cùng đứng sau sứ mệnh và nỗ lực này. Đây chính là một mảnh của lịch sử.”

Theo ScienceNews

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán