Trang chủ»Khoa học - Công nghệ»Khoa học & Công nghệ thế giới

Khoa học & Công nghệ thế giới

Bước tiến mới trong điều trị vết thương do tiểu đường: Vật liệu mới thúc đẩy nhanh quá trình chữa lành

Các nhà khoa học đã tìm ra vật liệu mới có thể đẩy nhanh quá trình chữa lành vết thương do tiểu đường chỉ với một lần tác dụng.



Vết thương do tiểu đường, hay loét bàn chân do tiểu đường, là biến chứng thường thấy ở người mắc bệnh tiểu đường, gây ra bởi nhiều nguyên nhân như tuần hoàn máu kém, tổn thương thần kinh và tình trạng đường máu cao kéo dài. Những vết thương xuất hiện trên cẳng chân, bàn chân và ngón chân này rất khó lành do khả năng chống nhiễm trùng cũng như chữa lành tổn thương mô của cơ thể suy giảm - Ảnh: scitechdaily.com

Nhóm nghiên cứu Đại học Nottingham đã phát hiện một hợp chất polymer mới kích thích chữa lành các vết thương khó điều trị. Theo tờ “Advanced Materials”, hợp chất này điều khiển cả tế bào miễn dịch và không miễn dịch trong quá trình trên.

Chữa lành vết thương là một quá trình sinh học phức tạp, đòi hỏi nhiều dạng tế bào làm việc chung với nhau và với tế bào gọi là nguyên bào sợi đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành mô mới cho quá trình phục hồi. Bệnh tiểu đường có thể ngăn cản sự tái tạo mô mới, làm vết thương khó lành và khó chữa trị hơn, dẫn đến nhiễm trùng hay tệ hơn là cần phải cắt bỏ chi.

Các chuyên gia từ Khoa Khoa học Đời sống và Dược phẩm đã sàng lọc 315 mẫu polymer khác nhau, xem xét thành phần hoá học của từng mẫu đến khi xác định được loại nào thúc đẩy nguyên bào sợi và tế bào miễn dịch chữa lành vết thương. Một nhóm khác từ Khoa Kỹ thuật đã chế tạo các phân tử nhỏ bọc polymer đặt trực tiếp lên vết thương.

Polymer là một hợp chất hoá học được tạo thành bởi các phân tử liên kết với nhau thành chuỗi dài, lặp đi lặp lại. Với cấu trúc này, polymer có những tính chất độc đáo, có thể dùng cho nhiều mục đích khác nhau. Sử dụng các vi hạt polymer, nhóm đã cho thấy khi đưa vào các mô hình động vật, hợp chất này đẩy nhanh hoạt động nguyên bào sợi gấp ba lần trong vòng 96 tiếng và làm lành hơn 80% vết thương.

Loại polymer trên có thể được phủ lên băng, gạc tiêu chuẩn để tăng nhanh hiệu quả chữa trị.

Giáo sư Amir Ghaemmaghami từ Khoa Khoa học Đời sống Đại học Nottingham, một trong những tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: “Nghiên cứu này là bước tiến quan trọng trong việc tạo ra phương pháp điều trị mới và tiết kiệm đối với vết thương do tiểu đường. Hiệu quả được ghi nhận chỉ sau một lần tác dụng. Đây có thể là tin vui cho các bệnh nhân từng phải điều trị liên tục bởi chuyên gia y tế.”

Giáo sư Morgan Alexander thuộc Khoa Dược nói thêm: “Chúng tôi đã chứng minh tiềm năng của polymer trong các nghiên cứu trước đây; chất liệu kháng màng vi khuẩn được dùng trong ống thông tiểu đã cho thấy khả năng ngăn ngừa nhiễm trùng bằng cách thay đổi hành vi của vi khuẩn trên bề mặt polymer. Những polymer này cũng có thể dễ dàng phủ lên trên băng gạc. Chúng tôi đã phối hợp với nhiều đối tác trong ngành để phát triển phương pháp chữa lành vết thương theo cách này.”

Thiên Kim
(Lược dịch)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán