Trang chủ»Khoa học - Công nghệ»Khoa học & Công nghệ thế giới

Khoa học & Công nghệ thế giới

Vén màn bí ẩn Kỷ băng hà - nghiên cứu mới tiết lộ nhiều bất ngờ về dòng di cư sớm thời tiền sử

Bí ẩn về việc di cư của con người trong suốt Kỷ băng hà từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi của giới nhân chủng học: Dòng người Homo sapiens ở Eurasia đã di cư khi nào và bằng cách nào? Có phải một đợt lạnh giá hay nóng lên đã thúc đẩy dòng di cư sớm từ Châu Phi sang Châu Âu và Châu Á?



Một nghiên cứu gần đây đã phân tích dữ liệu phấn hoa xung quanh hồ Baikal ở Siberia nhằm giải mã những thông tin về đợt di cư trên khắp Châu Âu và Châu Á của người hiện đại sơ khai khoảng 45.000-50.000 năm về trước. Bằng chứng cho thấy nhiệt độ ấm lên thúc đẩy sự phát triển của rừng, tạo điều kiện thuận lợi cho loài người di cư đến Siberia, điều này mâu thuẫn với một số quan điểm khảo cổ học trước đây - Ảnh: scitechdaily.com/

Một nghiên cứu gần đây được công bố trên tạp chí Science Advance khám phá việc này thông qua khám nghiệm quần xã thực vật Pleistocene xung quanh hồ Baikal ở Siberia, Nga, đối chiếu với bằng chứng khảo cổ đầu tiên của người Homo sapiens trong khu vực. Các nhà nghiên cứu áp dụng những bằng chứng xác thực để thuật lại câu chuyện chi tiết có từ 45.000 đến 50.000 năm trước, làm sáng tỏ việc làm thế nào mà người hiện đại sơ khai di cư qua lại giữa Châu Âu và Châu Á.

Dữ liệu mới về phấn hoa đã chỉ ra khi nhiệt độ ấm lên thúc đẩy rừng phát triển rộng vào khu vực Siberia và tạo điều kiện cho dòng di cư sớm tại đó gần như cùng thời điểm với các khu vực phía Tây của Eurasia.

Đồng tác giả Ted Goebel, giáo sư nhân chủng học tại Đại học Kansas cho biết: “Nghiên cứu này giải quyết những cuộc tranh luận lâu dài về điều kiện môi trường mà người Homo sapiens nguyên thủy phải đối mặt trong suốt quá trình di cư sang Châu Âu và Châu Á khoảng 40.000 đến 50.000 năm trước. Nghiên cứu còn đem đến sự tường minh về điều kiện môi trường tại hồ Baikal, thông qua việc sử dụng các ghi chép về phấn hoa để biểu thị cho việc ấm lên đáng kinh ngạc trong thời kỳ này”.

Thật vậy, dữ liệu về phấn hoa cho thấy con người đã phân tán trong một số thời điểm nhiệt độ tăng cao vào cuối thời Pleistocene, khi độ ẩm còn cao. Các ghi chép về phấn hoa thời cổ đại còn cho thấy đặc tính của rừng lá kim và đồng cỏ đã tạo nên nét đặc trưng cho khu vực, hỗ trợ cho việc tìm kiếm thức ăn và săn bắn. Goebel cho biết qua dữ liệu môi trường, kết hợp với các bằng chứng khảo cổ học, ông đã kể một câu chuyện hoàn toàn mới.

Điều này gây mâu thuẫn với một số quan điểm khảo cổ học gần đây ở Châu Âu” nhà nghiên cứu KU cho biết. “Yếu tố chính là việc xác định chính xác niên đại, không chỉ hóa thạch người hay xương động vật, mà còn số liệu ghi chép về môi trường bao gồm cả phấn hoa. Những điều chúng tôi đã trình bày là một niên đại rõ ràng về những thay đổi môi trường ở hồ Baikal, được bổ sung bởi ghi chép khảo cổ có niên đại khá chính xác về sự hiện diện của người Homo sapiens trong khu vực”.

Những cộng sự của Goebel là tác giả chính Koji Shichi của Viện Nghiên cứu Lâm học và Lâm sản ở Kochi, Nhật Bản; Masami Izuho của Đại học Tokyo Metropolitan, Hachioji, Nhật Bản và Kenji Kashiwaya của Đại học Kanazawa, Nhật Bản.

Trong khi phân tích phấn hoa được thực hiện ở Nhật Bản, Goebel và Izuho liên kết dữ liệu phấn hoa với bằng chứng quan trọng trong các ghi chép khảo cổ học về dòng di cư sớm. Goebel cho rằng sự xuất hiện của người Homo sapiens ở các ghi chép khảo cổ tương ứng với những thay đổi trong văn hóa và hành vi. Người hiện đại sơ khai thời kỳ này đã làm ra những công cụ bằng đá trên những lưỡi dao dài và mảnh, xương, gạc và ngà voi cho tới các công cụ thô sơ - bao gồm cả kim bằng xương đầu tiên có khoen để may vá, các đầu giáo bằng xương và gạc hươu.

Goebel cho biết: “Vài người trong số chúng ta tranh luận rằng những thay đổi về mặt giải phẫu đã diễn ra, bằng chứng là những thay đổi trong ghi chép hóa thạch, có những biến chuyển đồng thời trong hành vi và nhận thức. Người hiện đại sơ khai ngày càng sáng tạo, đổi mới và dễ thích nghi hơn trước. Điều này cho thấy rõ ở các ghi chép khảo cổ trong các bức vẽ trong hang động. Chúng tôi cũng tìm thấy nhiều bức vẽ rời, như những bản điêu khắc tượng Vệ Nữ. Tại Trung Âu, thậm chí có một bức điêu khắc hình tượng nhân sư làm từ ngà voi có niên đại vào đầu thời kỳ này. Đây không phải là mô phỏng lại thiên nhiên mà là sáng tạo, tạo ra cái mới, khám phá những nơi mới”.

Theo nhà nghiên cứu KU, có ít nhất một bộ xương được tìm thấy có niên đại thời kỳ đó.

Goebel cho biết. “Có một hóa thạch của con người từ Siberia, mặt dù không phải từ hồ Baikal mà xa hơn về phía Tây, một nơi được gọi là Ust’-Ishim. Về mặt hình thái, bộ xương đó là con người, nhưng quan trọng hơn hết, bộ xương cần được bảo quản tốt. Bộ xương được xác định bằng phương pháp cacbon phóng xạ và có DNA cổ xưa đại diện cho người Homo sapiens hiện đại, khác so với người Neanderthals hay người Denisovans, hoặc những người tiền hiện đại khác.”

Goebel cho biết những cư dân đầu tiên sống với nhau trong một gia đình hạt nhân mở rộng hay nhóm nhỏ, những gia đình này có mặt ở các vùng của Eurasia. Nhưng do nhiều bằng chứng khảo cổ bị xuống cấp, nên giả thuyết nêu trên vẫn chưa xác thực.

Ông cho biết: “Tại Ust’- Ishim ở Siberia, chúng tôi có bằng chứng về việc những người hiện đại hoàn toàn sống với nhau ở những nơi mà chúng ta đang bàn luận. Tuy nhiên, Ust-Ishim là một phát hiện độc lập, các nhà địa chất đã tìm thấy khi bờ sông bị xói mòn. Chúng tôi thiếu các thông tin về bối cảnh khảo cổ của nó, dù cho đây là một phần của việc định cư hay chỉ là mẫu xương trôi dạt. Vì vậy, việc kết nối giữa những cá nhân với các địa điểm khảo cổ ở vùng Baikal rất khó khăn. Liệu những người ngày có đại diện cho toàn bộ nhân loại lúc bấy giờ? Chúng tôi cũng nghĩ vậy nhưng cần thêm bằng chứng”.

Việt An
(Lược dịch)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán