Trang chủ»Khoa học - Công nghệ»Khoa học & Công nghệ thế giới

Khoa học & Công nghệ thế giới

Những sự cố thường gặp với tai nghe và cách sửa chữa

Dù là âm thanh có vấn đề, rắc rối trong lúc sử dụng, hay thiết bị kết nối không phù hợp, bài viết dưới đây sẽ điểm qua những vấn đề thường gặp nhất đối với tai nghe và một số cách sửa chữa thông dụng.



Ảnh: Bose

Sạc điện và cập nhật

Trước hết, bạn cần đảm bảo tai nghe chụp đầu hay tai nghe nhét tai đã được sạc điện đầy đủ (tất nhiên là bạn chỉ cần lo về chuyện này nếu bạn dùng tai nghe không dây). Ngoài ra, bạn cũng cần kiểm tra xem tai nghe đã được cập nhật chưa.

Không giống với nhiều thiết bị khác, tai nghe thường không có app đi kèm giúp bạn cập nhật, cũng như không có cổng liên kết để chuyển bản cập nhật từ máy tính qua. Tuy nhiên, nếu sử dụng tai nghe có khả năng cập nhật tự động hay cập nhật thủ công, mỗi tháng bạn nên kiểm tra xem có bản cập nhật mới không để tải về.

Tắt và khởi động lại tai nghe

Đây có lẽ là “chiêu” phổ thông nhất; nhưng đúng là nếu tai nghe của bạn là loại dùng pin, tắt đi và bật lại tai nghe thường sẽ giải quyết được vấn đề. Bạn cũng có thể khởi động lại thiết bị kết nối với tai nghe để chắc rằng nó không gặp trục trặc. Nếu sử dụng Bluetooth, bạn có thể tắt và bật lại Bluetooth để ghép đôi tai nghe và thiết bị lần nữa.

Tai nghe không ghép đôi (pair) với thiết bị

Một trong những ưu điểm, nhưng cũng là điểm yếu chí mạng của Bluetooth là tính năng ghép đôi. Mặc dù đã phát triển qua nhiều đời khác nhau, Bluetooth đôi lúc vẫn gặp sự cố khi bắt cặp, thậm chí là với những thiết bị đã ghép đôi nhiều lần. Bạn không cần quá lo lắng mà hãy thử qua một số bước như sau.

Bước 1: Thường thì nếu muốn bắt cặp một đôi tai nghe mới có sử dụng Bluetooth với điện thoại, máy tính bản, hay máy tính bàn, bạn chỉ cần nhấn hay nhấn giữ một vài nút bấm mà thôi. Một số thiết bị của Apple còn cho phép người dùng bắt cặp AirPod với với thiết bị sẵn có thông qua thao tác đơn giản là đưa hộp sạc lại gần điện thoại cần kết nối và mở nắp hộp ra.

Nếu tai nghe Bluetooth của bạn không bắt cặp được với thiết bị, hãy thử khởi động lại cả tai nghe lẫn thiết bị đó. Đây là giải pháp “trường tồn theo năm tháng” và đến nay vẫn còn tác dụng trong khá nhiều trường hợp. Đôi khi, những gì bạn cần làm là tắt hết mọi thứ và khởi động lại từ đầu.

Bước 2: Nếu vẫn chưa bắt cặp được, hãy vào phần cài đặt Bluetooth trên thiết bị để xem tai nghe đã được kết nối với nó hay chưa. Nếu chưa thì chỉ cần làm thao tác ghép đôi. Nếu đã kết nối mà tai nghe vẫn không có chút âm thanh nào, bạn nên kiểm tra xem âm lượng có quá nhỏ hay không (nghe hơi buồn cười nhưng thật sự nhiều lúc chúng ta tắt tiếng mà quên mất). Ngoài ra, cần kiểm tra xem tai nghe hiện có ghép đôi với thiết bị nào khác hay không. Thử xem qua hết một loạt các thiết bị bật Bluetooth xung quanh để đảm bảo không có chuyện ghép đôi “nhầm”.

Nếu tai nghe của bạn có app đi kèm thì càng đơn giản. Bạn chỉ cần mở app xem tai nghe hiện đang ghép đôi với thiết bị nào và ngắt kết nối (thao tác này thường làm được ngay trên app) để bắt cặp lại.

Bước 3: Nếu tai nghe hiện đang ghép đôi với một thiết bị khác, bạn có thể chọn quên thiết bị (forget), tai nghe của bạn sẽ về lại chế độ chờ bắt cặp với thiết bị khác. Trên iPhone, bạn vào phần cài đặt Bluetooth, chọn tai nghe hiện đang ghép đôi với nó và bấm “Forget This Device” (“Quên thiết bị này”) ở dưới cùng màn hình. Các thao tác quên thiết bị đối với Android và máy tính cũng gần giống thế này.



Tuỳ chọn “Forget This Device” trên iPhone 13 - Ảnh: Digital Trends

Bước 4: Nếu tai nghe Bluetooth của bạn rơi vào tình trạng pin yếu, bạn nên sạc ngay tai nghe. Theo một số khảo sát, chất lượng âm thanh giảm đi rõ rệt ở nhiều tai nghe không dây khi lượng pin tụt xuống dưới 25%. Các tai nghe ngày nay có thể được sạc khá nhanh nhờ có cổng cắm USB-C.

Bên cạnh đó, bạn cần đảm bảo Bluetooth phải tương thích với phần cứng thiết bị. Nhiều loại tai nghe hiện đại bây giờ ghép đôi bằng Bluetooth 5.0 hoặc thậm chí các thế hệ mới hơn, nhưng rất có thể chiếc máy tính bàn hay laptop của bạn không thể “bắt nhịp” được công nghệ mới này.



Ảnh: Zeke Jones/Digital Trends

Âm thanh kém chất lượng hoặc không có âm thanh

Tiếp đến là những vấn đề về âm thanh. Việc này chắc bạn đã gặp nhiều, cả với tai nghe có dây lẫn không dây, mặc dù đã được gắn khá chặt hay đã ghép đôi được với điện thoại. Không hiểu vì lý do gì đó, mỗi lần nghe nhạc thì tiếng lại bị giật, âm lượng tự nhiên nhỏ đi rồi lớn lên trở lại, hoặc đôi khi là tắt tiếng hoàn toàn. Nguyên do có thể là kết nối Bluetooth yếu bên phía tai nghe hoặc bên thiết bị hay kết nối mạng yếu, bất kể khi dùng Wi-Fi hay dùng dữ liệu di động.

Bước 1: Kiểm tra xem đường truyền mạng có ổn định không. Những nền tảng phát nhạc trực tuyến như Spotify hay Apple Music tuy có chất lượng phát khá tốt, nhưng nếu Wi-Fi hay mạng dữ liệu di động không ổn định (như khi bạn đi đến vùng đồng quê sóng yếu mà lại chưa tải bài nhạc đang nghe về máy chẳng hạn) thì chất lượng âm thanh tệ đi hay thậm chí là nhạc ngừng phát là điều rất dễ xảy ra.

Bước 2: Thử tắt một số tính năng. Một số tai nghe có đi kèm các app cho phép tùy chỉnh nhiều tính năng khác nhau như EQ, kiểm soát tiếng ồn chủ động (ANC), hay chế độ nghe xuyên thấu (transparency) - tức tính năng cho phép người nghe điều chỉnh độ chống ồn môi trường, giúp họ “đắm mình” trong thế giới riêng nhưng vẫn có thể nghe được người xung quanh nói gì mà không cần bỏ tai nghe ra. Nếu gặp sự cố âm thanh, hãy thử mở app lên và tắt các tính năng nói trên, sau đó mở một bài nào đó nghe thử xem chất lượng có cải thiện hơn không.

Bước 3: Kiểm tra xem tai nghe có ngoài tầm Bluetooth của thiết bị phát hay có gì ngăn cách tín hiệu hay không. Đa số tai nghe Bluetooth hoạt động tốt khi cách thiết bị không xa hơn 10-30 mét. Song, nếu giữa tai nghe và nguồn phát có vật cản như tường hay sàn nhà, hoặc các vật dụng gây nhiễu sóng khác như lò vi sóng, radio,… tín hiệu rất có thể bị gián đoạn. Khi đó, hãy thử đi lại gần thiết bị phát hơn để xem chất lượng âm thanh có cải thiện không. Bạn cũng nên thử tắt bớt những thiết bị gây nhiễu nói trên nếu không sử dụng rồi xem tai nghe có hoạt động ổn hơn không.

Bước 4: Kiểm tra dây cáp. Nếu bạn sử dụng tai nghe có dây và chất lượng âm thanh giảm sút, gián đoạn, hoặc tắt tiếng hoàn toàn, dây cáp có thể đã bị hỏng hóc.

Cách kiểm tra cũng đơn giản. Chỉ cần cắm dây vào thiết bị phát, rồi bóp nhẹ dây cáp từ chỗ cắm đi lên đến tai nghe. Nếu làm vậy mà âm thanh không còn gián đoạn nữa hay chất lượng âm thanh tốt hơn, thì nhiều khả năng dây cáp đã bị hỏng. Điều này cũng có nghĩa bạn nên nghĩ đến chuyện mua tai nghe mới. Tuy nhiên, có một số thương hiệu có bán các loại dây cáp thay thế các loại dây đã hỏng.



Ảnh: Michael Bizzaco/Digital Trends

Bước 5: Vệ sinh tai nghe. Các tai nghe có dây đều có jack hay cổng USB để kết nối với thiết bị phát. Đây là chỗ dễ bám bụi bẩn và nếu lớp bụi quá dày, tiếp xúc giữa cổng thiết bị và jack/cổng USB tai nghe sẽ lỏng, gây ra các vấn đề thường thấy khi nghe nhạc.

Bạn có thể dùng tăm bông, tăm tre, hay vòi xịt khí nén để vệ sinh các khu vực này rồi cắm lại xem tình hình có cải thiện không.

Tai nghe bị điếc một bên

Nếu tai nghe không dây của bạn chỉ hoạt động một bên, kết nối giữa hai tai nghe có thể gặp vấn đề. May mắn là nhiều khi chỉ cần khởi động lại đường truyền là vấn đề được giải quyết. Bạn chỉ cần đơn giản bỏ tai nghe vào hộp sạc chừng khoảng 10 giây rồi lấy ra và ghép đôi lại với thiết bị, cả hai tai có thể phát nhạc được như ban đầu.



Ảnh: Simon Cohen/Digital Trends

Không dây và có dây, đâu là lựa chọn tốt hơn?

Nhiều người cho rằng miễn là tai nghe phát được âm thanh chứ có dây hay không dây thì chẳng có gì quan trọng về lâu dài. Nhưng điều này không đúng. Như bất kỳ sản phẩm công nghệ nào khác, càng tích hợp nhiều tính năng thì tai nghe càng có nhiều khả năng phát sinh vấn đề. Bạn có thể thấy các thiết bị gia dụng ngày càng tân tiến lại ngày càng phải sửa chữa, thay mới thường xuyên hơn là những chiếc máy giặt hay máy sấy cũ kĩ với các nút bấm và núm vặn cồng kềnh.

Nếu bạn vẫn còn băn khoăn không biết nên chọn tai nghe có dây hay không dây, hãy nhớ rằng tai nghe có dây thường có “tuổi thọ” lâu hơn. Tai nghe có dây có bộ chuyển đổi thụ động có thể “hợp tác” tốt với bất kỳ thiết bị phát nào; trong khi tai nghe không dây chạy bằng pin riêng, lượng pin tụt theo thời gian sử dụng.

Về chất lượng âm thanh, vì kết nối trực tiếp đến thiết bị phát nên vấn đề trễ tiếng và mất âm thanh gần như không đáng lo ngại. Tai nghe có dây còn cho phép bạn cảm nhận được âm thanh độ phân giải cao và những bản nhạc lossless định dạng FLAC và ALAC trên các nền tảng Tidal, Qobuz, Apple Music; đây là những tập tin dung lượng lớn, chưa thể tải được qua Bluetooth. Tai nghe có dây cũng có giá thành phải chăng hơn rất nhiều so với các loại không dây.

Điều đó không có nghĩa tai nghe không dây không có bất kỳ ưu điểm nào. Chắc hẳn ai cũng thích cảm giác nghe nhạc mà không bị vướng víu với một sợi dây. Có lần nào bạn rút dây tai nghe sai hướng chưa? Làm vậy có thể khiến điện thoại bạn văng ra góc tường rồi jack cắm, cổng Lightning, hay các cổng và thiết bị kết nối khác cũng bị hư. Chưa kể, những tai nghe không dây hiện nay đều “trâu” hơn các thế hệ đi trước, chạy được trung bình 7-8 tiếng mà không bị yếu pin.

Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán