Trang chủ»Khoa học - Công nghệ»Khoa học & Công nghệ thế giới

Khoa học & Công nghệ thế giới

Chandrayaan-3 đáp xuống cực nam Mặt Trăng

Ấn Độ làm nên lịch sử khi trở thành quốc gia đầu tiên có tàu thăm dò đáp xuống cực nam Mặt Trăng hôm 23/8/2023. Đây cũng là lần đầu tiên có quốc gia phóng tàu đáp xuống Mặt Trăng sau Trung Quốc năm 2020.



Các kỹ sư vỗ tay khi Chandrayaan-3 đáp xuống Mặt Trăng - Ảnh: ISRO

Song song với chương trình Artemis của Mỹ, Ấn Độ cũng là một trong những quốc gia dự tính chinh phục Mặt Trăng. Cực nam được nhắm đến bởi chưa quốc gia nào phóng tàu lên khu vực đầy rãnh sẹo, hố thiên thạch, và băng cổ đại này.

Dưới đây chuyên gia quan hệ quốc tế Mariel Borowitz sẽ giải thích tầm quan trọng của Chandrayaan-3 đối với khoa học và đối với thế giới nói chung.

Vì sao Ấn Độ muốn phóng tàu lên Mặt Trăng?

Các quốc gia mong muốn phóng tàu lên Mặt Trăng để tạo cảm hứng cho người dân, thử xem trình độ kỹ thuật quốc gia đã tới đâu, đồng thời khám phá những điều ta chưa biết rõ trong Thái Dương Hệ.

Mặt Trăng mang theo nó nhiều ý nghĩa văn hóa, lịch sử đối với vô số tộc người. Tất cả chúng ta ai cũng có thể ngửa mặt lên bầu trời đêm, nhìn Mặt Trăng, và thấy thán phục làm sao khi có dấu ấn của con người đâu đó trên bề mặt thiên thể này.

Đây còn là cơ hội để nhiều quốc gia hợp tác, tranh đua nhau một cách hòa bình, mà ai cũng thấy được người “chiến thắng”.

Không chỉ các quốc gia như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Israel, mà cả phía doanh nghiệp tư nhân cũng hào hứng khám phá Mặt Trăng. Vì thế, đây là cơ hội thiết lập nhiều mối quan hệ mới, giúp các quốc gia hợp tác trong hòa bình, thu hút nhiều nguồn lực cho công cuộc thám hiểm không gian, kết nối các tổ chức, các cá nhân lại với nhau.

Một số người còn tin rằng khám phá Mặt Trăng sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế nhất định. Trong tương lai gần, những công ty khởi nghiệp công nghệ không gian sẽ mọc lên, hỗ trợ đắc lực cho các phi vụ thám hiểm. Thực tế, nhiều doanh nghiệp như vậy đã xuất hiện tại Ấn Độ trong thời gian gần đây. Xa hơn, nguồn tài nguyên sẵn có trên Mặt Trăng như nước, helium-3, hay các khoáng chất hiếm gặp trên Trái Đất cũng có thể được khai thác, góp phần vào tăng trưởng kinh tế.

Vì sao lại thám hiểm cực nam?

Cực nam Mặt Trăng là điểm được nhiều quốc gia nhắm đến. Tất cả 13 điểm hạ cánh được xét chọn cho chương trình Artemis đều nằm gần khu vực này.

Đây là nơi có nhiều khả năng tìm được nước dạng băng nhất. Lượng nước này có thể dùng cho các phi hành gia hay giúp chế tạo nhiên liệu tên lửa. Quanh cực nam cũng có nhiều đỉnh núi liên tục, hay gần như liên tục đón nắng, cung cấp năng lượng cho nhiều hoạt động trên Mặt Trăng.

Phi vụ này của Ấn Độ so sánh với các phi vụ cùng thời điểm

Thành tựu lần này của Ấn Độ tuy là dấu mốc đáng ghi nhận, nhưng đó chỉ là một trong bảy phi vụ hiện tại liên quan đến Mặt Trăng, tính cả những tàu đáp xuống lẫn bay quanh vệ tinh tự nhiên này.

Ngoài tàu tự hành Chandrayaan-3 tại cực nam còn có: tàu thám hiểm Danuri của Hàn Quốc bay quanh Mặt Trăng dò tìm điểm đáp; tàu CAPSTONE của một công ty tư nhân nhận vốn tài trợ NASA; và tàu thám hiểm Lunar Reconnaissance của NASA. Trong khi CAPSTONE nghiên cứu độ ổn định của một quỹ đạo Mặt Trăng cụ thể, Lunar Reconnaissance lại thu thập dữ liệu để dựng lên mô hình các điểm hạ cánh khả dĩ cho các phi vụ tương lai.

Chandrayaan-2 của Ấn Độ phóng trước Chandrayaan-3 tuy hạ cánh bất thành, tàu thăm dò đi kèm với nó vẫn còn hoạt động. Trên bề mặt Mặt Trăng còn có hai tàu tự hành của Trung Quốc còn hoạt động là Thường Nga 4 và 5.

Trong cuộc đua lên cung trăng còn có nhiều quốc gia và doanh nghiệp khác. Tàu Luna-25 của Nga hạ cánh bất thành 3 ngày trước khi Chandrayaan-3 đáp thành công. Song, việc Nga chế tạo được xe tự hành cũng đã là một thành tựu đáng ghi nhận.

Cũng hạ cách bất thành là tàu của doanh nghiệp tư nhân ispace ở Nhật. Tàu tự hành này đâm xuống Mặt Trăng vào tháng 4/2023.

Cuộc chạy đua không gian đang nóng trở lại



Sự kiện hạ cánh thành công khiến người dân tại nhiều nơi ăn mừng, như một nhóm người ở Mumbai trong ảnh - Ảnh: Rajanish Kakade/apnews

Vài thập kỷ trở lại đây, ngày càng nhiều quốc gia bắt tay vào các hoạt động thám hiểm không gian, như các đợt phóng vệ tinh thu thập hình ảnh, dữ liệu về Trái Đất chẳng hạn. Hơn 60 quốc gia đã tham gia vào cuộc chạy đua này. Giờ đây đường đua đã mở rộng ra, hướng tới Mặt Trăng.



Học sinh cầu nguyện Chandrayaan-3 hạ cánh thành công - Ảnh: Ajit Solanki/apnews

Có thể so sánh cuộc chạy đua không gian hiện tại với cuộc đua đầu tiên vào những năm 1960 - đều là động thái phô bày kỹ thuật tiên tiến và khích lệ dân chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ, hứng thú về khoa học. Song, cuộc đua mới này không chỉ có hai cường quốc tranh tài. Nhiều quốc gia tham dự cuộc đua đồng nghĩa sẽ có nhiều cơ hội hợp tác, xây dựng tình hữu nghị quốc tế hơn, qua đó hoàn thành các mục tiêu thám hiểm không gian.

Ngoài ra, trước thực tế sân chơi công nghệ - kỹ thuật ngày càng rộng mở trong 60 năm trở lại đây, việc khám phá vũ trụ dài hạn ngày càng khả thi. Các phi vụ sắp tới có thể là xây dựng các căn cứ trên Mặt Trăng, tìm phương pháp tận dụng tài nguyên trên vệ tinh này, thậm chí là khởi phát các hoạt động kinh tế dựa vào nguồn lực thiên nhiên có sẵn và phát triển du lịch.

Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán