Trang chủ»Khoa học - Công nghệ»Khoa học & Công nghệ thế giới

Khoa học & Công nghệ thế giới

Dấu vết thuỷ tinh cho thấy Mặt Trăng cũng bị tiểu hành tinh va chạm như Trái Đất

Một nhóm nghiên cứu quốc tế thuộc Đại học Curtin phát hiện những vết va chạm tiểu hành tinh trên Mặt Trăng hàng triệu năm trước rất giống các vết va chạm thiên thạch tìm thấy ở Trái Đất, như sự kiện va chạm thiên thạch khiến loài khủng long bị diệt vong chẳng hạn.



Các hạt thuỷ tinh do tàu Thường Nga 5 thu thập - Ảnh: Trung tâm SHRIMP tại Bắc Kinh, Viện Địa chất, Viện Hàn lâm Khoa học Địa chất Trung Quốc

Nghiên cứu này cũng cho thấy các vụ va chạm lớn trên Trái Đất không phải là hiện tượng đơn lẻ mà có đi kèm nhiều đợt va chạm nhỏ khác. Điều này giúp ta hiểu thêm về cơ chế vận hành của các vật thể trong Hệ Mặt Trời cũng như nguy cơ tiểu hành tinh va chạm với Trái Đất.

Nhóm nghiên cứu trên tiến hành quan sát các hạt thuỷ tinh hiển vi có tuổi đời lên đến 2 tỷ năm tìm thấy được trong những mẩu đất đá do tàu Thường Nga 5 của Cục Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) mang từ Mặt Trăng về Trái Đất vào tháng 12/2020. Sức nóng và áp lực cực lớn từ các vụ va chạm giúp các hạt thuỷ tinh thành hình; nhờ vậy mà nghiên cứu chúng, ta có thể biết được thời điểm diễn ra va chạm.

Chủ nhiệm nhóm nghiên cứu, Giáo sư Alexander Nemchin từ Trung tâm Khoa học - Kỹ thuật Vũ trụ (SSTC) thuộc Khoa Khoa học Trái Đất và Hành tinh thuộc Đại học Kỹ thuật, giải thích thời điểm cũng như tần suất va chạm tiểu hành tinh trên Mặt Trăng có thể tương đồng với Trái Đất. Tìm hiểu yếu tố này, ta sẽ biết thêm về quá trình phát triển của chính hành tinh xanh.

Giáo sư Nemchin nói: “Chúng tôi kết hợp nhiều kỹ thuật phân tích hiển vi, mô hình hóa dữ liệu, cùng khảo sát địa chất nhằm xác định các hạt thuỷ tinh hình thành ra sao, tại thời điểm nào. Qua nghiên cứu, chúng tôi phát hiện một loạt thuỷ tinh hình thành trong khoảng thời gian nhất định trùng với thời điểm các đợt va chạm lớn trên Trái Đất, trong đó có vụ va chạm Chicxulub khiến khủng long bị tuyệt diệt.”

Giáo sư bổ sung: “Nghiên cứu cũng cho thấy các vụ va chạm cực lớn như sự kiện Chicxulub 66 triệu năm trước có thể đi kèm với một loạt những vụ va chạm nhỏ hơn. Nếu giả thuyết này đúng, biết về thời điểm va chạm trên Mặt Trăng, ta sẽ có thêm nhiều thông tin quý báu về các vụ va chạm trên Trái Đất nói riêng hay Hệ Mặt Trời nói chung.”



Bãi đáp Mặt Trăng số 1 của tàu Thường Nga 5 - Ảnh: Trung tâm Khám phá Mặt Trăng và Kỹ thuật Không gian của Cục Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc

Đồng tác giả, Phó Giáo sư Katarina Miljkovic, cũng từ SSTC thuộc Đại học Curtin, hy vọng các nghiên cứu đối sánh sẽ giúp ta đào sâu vào lịch sử địa chất học của Mặt Trăng.

Bà phát biểu: “Bước tiếp theo là so sánh dữ mẫu đất đá do tàu Thường Nga 5 thu thập với các mẫu khác cũng từ Mặt Trăng, phát hiện những sự kiện va chạm tác động lớn đến vệ tinh tự nhiên này, qua đó hé lộ nhiều thông tin về ảnh hưởng của những vụ va chạm như thế đối với sự sống trên Trái Đất.”

Được biết nhóm nghiên cứu quốc tế Đại học Curtin được Hội đồng Nghiên cứu Úc hỗ trợ, quy tụ các nhà khoa học từ Úc, Trung Quốc, Mỹ, Anh, và Thụy Điển. Trong số các thành viên là đồng tác giả Tiến sĩ Marc Norman từ Đại học Quốc gia Úc, Tiến sĩ Tao Long từ Trung Tâm SHRIMP tại Bắc Kinh thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Địa chất Trung Quốc, cùng học viên Yuqi Qian thuộc Đại học Khoa học Địa chất Trung Quốc.

Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán