Trang chủ»Khoa học - Công nghệ»Khoa học & Công nghệ thế giới

Khoa học & Công nghệ thế giới

Khi âm nhạc gặp token không thể thay thế (NFT)

Công nghệ chuỗi khối khiến token không thể thay thế (NFT) trở nên độc nhất, nhưng hiện tại nhiều mối quan ngại đã nảy sinh xung quanh câu hỏi liệu người sáng tác, nhà sản xuất, và các nhạc sĩ phòng thu tạo ra tác phẩm gốc sẽ có quyền gì và được hưởng doanh thu như thế nào từ các thương vụ này.

Nếu năm ngoái là khoảng thời gian các buổi diễn ca nhạc livestream lên ngôi thì ngôi sao đang lên năm nay lại là NFT. Từ các nhạc sĩ độc lập như Calvin Harris cho đến các ban nhạc như Gorillaz và Kings of Leon đều chạy theo trào lưu công nghệ - nghệ thuật mới nhằm kiếm thêm chút đỉnh.

Cuối tháng 2 vừa qua, Grimes bán được 10 tác phẩm số được token hoá với giá 6 triệu USD trong khi Deadmau5 chào bán gói âm nhạc cùng các trải nghiệm hợp tác sáng tác. The Weeknd thu về 2,2 triệu USD khi bán các tác phẩm số cùng nhiều clip quảng bá cho bài hát mới, cũng như một bài hát hoàn chỉnh mà anh nói sẽ không xuất hiện trên bất cứ nền tảng nào trong tương lai.

NFT là loại token số gắn với một vật thể hay một giá trị phi vật thể - ví dụ một tấm ảnh, một bức vẽ, một đoạn video, một bài nhạc, hay thậm chí là trải nghiệm cộng tác với các nghệ sĩ hay vé VIP. Các token số này được bảo mật bằng công nghệ chuỗi khối, đảm bảo không bị tấn công mạng. Chúng có thể được mua đi bán lại nhiều lần, chủ yếu trên sàn Ethereum (mạng lưới phi tập trung dùng để trao đổi tiền Ether, loại tiền ảo lớn thứ hai sau Bitcoin), kèm các chứng từ sở hữu chỉ rõ nguồn gốc chứng minh tính độc nhất của nó.

Trong khi việc truy nguồn không thành vấn đề thì vẫn còn nhiều quan ngại về quyền lợi và quyền sở hữu của tác giả gốc đối với tác phẩm cũng như phần trăm doanh thu họ được hưởng. Một nhạc sĩ - tác giả gốc của nhiều bài hát được hơn triệu lượt nghe - đã trực tiếp đối mặt vấn đề này.



Grimes rao bán NFT của mình với giá 6 triệu USD - Ảnh: Twitter / @Grimezsz

Bởi đang chuẩn bị hồ sơ pháp lý khởi kiện bên bán, nhạc sĩ trên xin được giấu tên. Người này cho biết đã đồng sáng tác một bài nhạc. Tác phẩm được nhập vào một gói NFT và được bán với giá lên đến 10 triệu USD, theo thông tin nhận được. Cả người sáng tác lẫn bên sản xuất không hay biết gì về thương vụ cho đến khi bên bán liên hệ họ và đưa ra món “tiền thưởng” trị giá 0,07% doanh số được báo cáo; kèm theo đó là bản hợp đồng khước từ mọi quyền sở hữu đối với NFT cũng như doanh số thu được về sau (nếu có). Bên sáng tác cho biết: “Tuy tôi có hỏi, họ vẫn chưa công bố doanh số và cách tính ra nó.”

Việc này chưa hề có tiền lệ. Những bản nhạc mua bán dưới dạng NFT là các tác phẩm mới, chưa từng được ra mắt trước đây. Giới sáng tác vẫn luôn kêu gọi được hưởng phần doanh số công bằng hơn cũng như chấm dứt những vụ “nẫng tay trên”, tức các ca sĩ nổi tiếng bất ngờ được hưởng một phần doanh thu sáng tác nhạc mặc dù không tham gia vào quá trình sáng tác.

Cliff Fluet, luật sư tại hãng Lewis Silkin, không liên hệ đến vụ kiện, cho biết bên bán NFT có thể sẽ biện luận rằng thứ họ bán đi không phải là tác phẩm mà là trải nghiệm âm nhạc: “Bên bán hẳn sẽ cãi chày cãi cối - và có thể họ đúng - rằng phần lớn giá trị không đến từ bản thân tác phẩm mà đến từ trải nghiệm, từ độ hiếm của token, và từ hàng tá những thành phần và lợi nhuận của NFT.”

Bên sáng tác lại quan ngại rằng nếu chấp nhận “tiền thưởng” thì chẳng khác nào vi phạm hợp đồng với nhà sản xuất bởi bên sản xuất cần phải được hỏi ý kiến trước và được chia phần trăm trong mọi thương vụ. Nhạc sĩ giấu tên cho biết: “Tôi không bao giờ bán hẳn bất kỳ tác phẩm nào. Bạn có thể sở hữu độc quyền một tác phẩm trong một quãng thời gian nào đó, nhưng không có nhà sản xuất hay nhạc sĩ sáng tác nào sẵn lòng nói: “Ồ, cứ tự nhiên mua và sở hữu bài nhạc đó mãi mãi đi.”

Nhạc sĩ cũng cho biết vụ kiện cần tiến hành ngay bởi không biết bao nhiêu nghệ sĩ khác đã phải trải qua một năm khốn đốn vì đại dịch. “Lúc mới nhận được e-mail, tôi nghĩ bên bán quả thật hào phóng. Tôi không sáng tác được nhiều trong cả năm qua và thương vụ lần này giống như vũ trụ cuối cùng cũng rủ lòng thương. Sẽ có những người chân ướt chân ráo đồng ý ký nhận ngay. Bên bán luôn lợi dụng tâm lý đó - chỉ cần bên nhạc sĩ ký và nhận tiền là xong chuyện.”

Fluet cho rằng bản chất của NFT không phải là vấn đề đáng bàn cãi, mà cái cần quan tâm là ý định của bên bán. “Bất cứ ai muốn thực hiện một thương vụ NFT cần phải phân định rõ người sở hữu NFT được và không được phép làm gì, được hưởng phần trăm như thế nào, cũng như phân quyền minh xác hơn.”

Fluet có dẫn đến trường hợp của Nathan Apodaca, một người sử dụng TikTok muốn bán video được phát tán rộng rãi của mình dưới dạng NFT. Đó là đoạn quay anh biểu diễn ván trượt và mấp môi theo nền bài Dreams của Fleetwood Mac. Apodaca cho biết Warner Music Group và Stevie Nicks từ chối phần trăm do anh đề xuất nên anh phải cắt bỏ phần nhạc khỏi video của mình. Cuối tháng 3 vừa qua, anh bắt đầu bán đấu giá video trên Rarible.com ở mức 500.000 USD. Hiện chưa có thông tin xác định đã có ai trả mức giá anh đưa ra hay chưa.

NFT vẫn là sân chơi mới cho ngành âm nhạc nên các lỗi lầm - cũng như các trò “nẫng tay trên” - vẫn còn khá phổ biến cho đến khi có một tiền lệ được đặt ra, sau đó sẽ là các quy định minh bạch cụ thể hơn. Còn trong thời gian hiện tại, nghệ sĩ và tác phẩm của họ vẫn chỉ là những mối quan tâm thứ cấp của giới cuồng công nghệ.

Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán