Trang chủ»Khoa học - Công nghệ»Khoa học & Công nghệ thế giới

Khoa học & Công nghệ thế giới

Ký sinh trùng thay đổi hành vi của sói xám

Lý do một số chó sói có xu hướng dẫn đàn hay tách đàn có thể nằm ở một loại ký sinh trùng. Toxoplasma gondii được phát hiện ảnh hưởng khá lớn lên hành vi của sói xám.



Sói xám có thể thực hiện những hành vi nguy hiểm khi nhiễm ký sinh trùng Toxoplasma gondii - Ảnh: Russell Burden/Getty

Các con sói trong Vườn Quốc gia Yellowstone bị nhiễm khuẩn Toxoplasma gondii thực hiện những hành vi mạo hiểm hơn so với các cá thể không bị nhiễm, theo báo cáo đăng trên tạp chí Communications Biology ngày 24/11. Hành vi này đồng nghĩa với việc chúng có xu hướng tách đàn hay trở thành sói dẫn đàn nhiều hơn.

Connor Meyer, nhà sinh học điền dã tại Đại học Montana ở Missoula, cho biết: “Hai hành vi này có thể hoặc tốt cho sói, hoặc khiến nó dễ chết hơn.” Phát hiện trên cũng cho thấy khả năng điều khiển sinh mệnh của những loài ký sinh.

Meyer cho biết bệnh ký sinh là một phần quan trọng của đời sống hoang dã, đặc biệt khi nó làm vật chủ chết đi.

Từ lâu người ta đã biết khuẩn đơn bào T. gondii có khả năng thay đổi hành vi động vật như thế nào. Loài này thường ký sinh ở mèo, cụ thể là ruột non của mèo. Các đời sau sinh sôi nhờ bám vào phân mèo, từ đó đi vào các động vật ăn phải phân mèo. Chúng tiếp tục ảnh hưởng đến hành vi vật chủ mới nhờ thao túng một vài hormone nhất định, khiến vật chủ gan dạ hay hung hãn hơn. Ví dụ khi vào được cơ thể chuột, chúng làm con chuột không còn sợ mèo nữa và dễ bị mèo bắt và ăn thịt hơn, từ đó giúp chúng ký sinh vật chủ mới.



Ký sinh đơn bào Toxoplasma gondii sống bám trên các động vật máu nóng có khả năng biến đổi tính khí, khiến vật chủ thực hiện các hành vi giúp khép kín vòng đời của chính vật ký sinh - Ảnh: Todorean Gabriel/Getty

Theo nghiên cứu, các con sói tại Vườn Quốc gia Yellowstone gần đây cũng bị nhiễm T. gondii. Vậy nên Meyer cùng cộng sự đắn đo không biết sói xám (Canis lupus) có bị loài ký sinh này “thao túng tâm lý” hay không.

Sói được thả vào vùng Yellowstone năm 1995. Từ đó, các nhà nghiên cứu có cơ hội thu thập các mẫu máu và quan sát hành vi cũng như cung đường di chuyển của 229 cá thể sói xám trong khu vực xuyên suốt 26 năm.

Nhóm nghiên cứu phát hiện được kháng thể T. gondii trong quần thể sói, cho thấy có cá thể đã bị nhiễm phải khuẩn này. Nhóm cũng quan sát cá thể nào tách đàn hay trở thành sói dẫn đàn. (Một đàn sói là gia đình gồm cha mẹ và con của chúng.) Cả hai hành vi trên đều mang đầy những rủi ro, theo Meyer.

Theo kết quả quan sát, cá thể sói bị nhiễm khuẩn có nguy cơ tách đàn nhiều gấp 11 lần và có khả năng trở thành sói đầu đàn gấp 46 lần so với cá thể không nhiễm. Kết quả này trùng khớp với giả thuyết T. gondii gia tăng bản lĩnh ở những động vật máu nóng.

Ajai Vyas, nhà sinh học thần kinh tại Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore, tuy không tham gia vào nghiên cứu nhưng có nhận xét nghiên cứu bổ sung những hiểu biết hệ trọng về Toxoplasma.

Vyas nói: “Các công trình trước đây chủ yếu tiến hành trong phòng thí nghiệm.” Cách tiếp cận này có rất nhiều hạn chế, nhất là không thể tái dựng trải nghiệm của những cá thể bị ký sinh trùng ảnh hưởng trong môi trường tự nhiên. Theo Vyas: “Những nghiên cứu như thế không khác gì tìm hiểu hành vi của cá voi bằng cách thả chúng vào bể bơi sau nhà. Kết quả thu được không có nhiều giá trị.”

Nhóm khoa học đặt giả thuyết bản lĩnh sói tăng cũng giúp ký sinh trùng dễ lây lan. Theo tìm hiểu, các loài báo (Puma concolor) trong khu vực cũng nhiễm T. gondii, và mức độ nhiễm khuẩn ở sói là cao nhất với các quần thể sói sống gần báo. Các con sói bị nhiễm khuẩn có thể dẫn đàn mình đến lãnh địa của báo, giúp cho việc lây nhiễm ngày càng dễ dàng hơn.

Tuy ý tưởng này rất thú vị, song cần có thêm thời gian quan sát mới xác định được chắc chắn, theo Greg Milne, nhà dịch tễ học tại Cao đẳng Thú y Hoàng gia ở London. Được biết ông không tham gia vào nghiên cứu sói Yellowstone.

Kira Cassidy, nhà sinh vật hoang dã tham gia Dự án Sói Yellowstone ở Bozeman, Montana, Mỹ, nhận xét: “Tôi nghĩ chúng ta chưa khám phá tác động của tính cách lên hành vi loài sói được bao lâu thì lại phát hiện thêm các hành vi bị chi phối bởi ký sinh trùng như thế nào.”

Nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục tìm hiểu về hậu quả dài hạn của những cá thể sói bị nhiễm T. gondii, và trả lời câu hỏi các cá thể bị nhiễm thiên về tách đàn hay dẫn đàn nhiều hơn các cá thể không bị nhiễm.

Cassidy cho biết hiện tại cả nhóm vẫn chưa tìm hiểu ký sinh trùng có tác động gì đến khả năng sinh sản và sinh tồn của sói hay không: “Loại ký sinh trùng này có thể làm hại sói ở một vài mặt, nhưng lại hỗ trợ vật chủ ở vài mặt khác.”

Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán