Trang chủ»Khoa học - Công nghệ»Khoa học & Công nghệ thế giới

Khoa học & Công nghệ thế giới

Những gì bạn cần biết về bệnh đậu mùa khỉ

Đợt bùng phát đậu mùa khỉ bắt đầu từ hôm 07/5 với 300 bệnh nhân ở 21 quốc gia không thuộc Châu Phi, làm dấy lên lo ngại một trận đại dịch mới lây lan ở mức toàn cầu. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng khó có khả năng đó.

Đây là đợt bùng phát rộng nhất của bệnh dịch này. Theo dữ liệu từ trang Global.heath, mỗi ngày lại có thêm nhiều ca mới được ghi nhận. Các triệu chứng thường gặp ở người bệnh là sốt, đau đầu, ê ẩm người, đau và yếu lưng, các u và mụn rộp nổi lên khắp người, dễ vỡ.

Đa số các ca ngoài khu vực Châu Phi được ghi nhận tại Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Canada, và Anh. Ở Mỹ, mỗi bang California, Massachusetts, và New York ghi nhận 1 ca; tại Utah ghi nhận 2 ca. Bốn ca khác được xác nhận là nhiễm đậu mùa; hai trong số đó, một tại New York, một tại Washington được xem là nghi nhiễm đậu mùa khỉ và đang chờ được Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) xác minh.

Đậu mùa khỉ lây truyền do tiếp xúc gần. John Brooks, nhà dịch tễ tại CDC, có phát biểu trong buổi họp báo hôm 23/5: “Tất cả mọi người đều có khả năng mắc và làm lây bệnh đậu mùa khỉ. Nhưng phần lớn các ca nhiễm trong đợt bùng phát lần này là các nam giới đồng tính và song tính.” Một vài ca còn được cho là xuất phát từ nơi diễu hành và một nhà tắm công cộng ở Tây Ban Nha.

Các quan chức CDC hy vọng sẽ nâng cao nhận thức của người dân trước tháng 6 tới đây - tháng tự hào cho cộng đồng LGBT+ ở Mỹ cũng như nhiều quốc gia khác. Brooks nói thêm: “Tuy hiện tại người nam quan hệ đồng giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn, loại vi-rút này không hề quan tâm bạn là ai, ở đâu, và có đời sống xã hội như thế nào cả.”

Adesola Yinka-Ogunleye là nhà dịch tễ tại Viện Y tế Toàn cầu ở Đại học Cao đẳng London, đồng thời cũng hợp tác nghiên cứu đậu mùa khỉ với Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Nigeria. Bà cho biết: “Giờ không phải là lúc sợ hãi, hoảng loạn, và xa lánh, dị nghị những người bị mắc bệnh này.”

Đậu mùa khỉ là gì?

Đậu mùa khỉ là một loại vi-rút ADN thuộc chi Orthopoxvirus - chi vi-rút bao gồm đậu mùa, đậu mùa gia súc, và đậu mùa lạc đà. Yinka-Ogunleye cho biết đây không phải loại bệnh mới mà đã được phát hiện ở khỉ năm 1958, và ca đầu tiên ở người năm 1970. Đa số các ca mắc đậu mùa khỉ là do truyền từ động vật sang người. Ví dụ như trong đợt bùng phát ở Mỹ năm 2003, 47 người vùng Trung Tây bị lây đậu mùa khỉ từ các con chó thảo nguyên từng sống chung với các loài gặm nhấm khu vực Tây Phi.

Đậu mùa khỉ có hai loại, hay hai nhánh. Một nhánh cực hại hoành hành tại Cộng hòa Trung Phi và Congo, lây cho hàng trăm người mỗi năm và giết 10% những bệnh nhân mắc phải. Theo Yinka-Ogunleye, nhánh đậu mùa khỉ này hiện vẫn chưa vượt quá biên giới hai quốc gia kể trên. Thủ phạm của các đợt bùng phát, kể cả đợt mới nhất này, là nhánh đậu mùa khỉ Tây Phi, vốn nhẹ hơn đậu mùa khỉ Trung Phi và chỉ gây tử vong ở 1-3,6% các ca mắc phải.

Đợt dịch gần đây nhất bắt đầu như thế nào?

Yinka-Ogunleye cho biết trước năm 2017, đậu mùa khỉ là một bệnh hiếm gặp; chỉ khoảng 10 ca được ghi nhận tại vùng Tây Phi; Nigeria thậm chí không ghi nhận ca nào từ năm 1978. Tuy nhiên, trong đợt bùng phát năm 2017, 42 ca được xác định và 146 ca được cho là nghi nhiễm.

Nhóm nghiên cứu tìm được bằng chứng cho thấy vi-rút lây từ người sang người qua các tiếp xúc gần giữa những thành viên trong gia đình; nhưng đa số các ca lây nhiễm vẫn bắt nguồn từ động vật. Vật chủ chính yếu mang vi-rút vẫn chưa được nhận diện mặc dù loài gặm nhấm vẫn là nghi phạm hàng đầu.

Từ 2017 đến nay, Nigeria vẫn tiếp tục có thêm ca mắc mới. Theo Yinka-Ogunleye, chỉ tính đến ngày 30/4/2022, nước này đã ghi nhận 46 trường hợp mắc phải. Người đi du lịch góp phần mang mầm bệnh từ Nigeria sang các quốc gia khác và đây có thể là nguyên do cho đợt bùng phát dịch lần này. Theo thông tin mà nhóm khoa học người Bồ Đào Nha đăng tải trên trang Virological.org hôm 23/5, phân tích gen vi-rút ở các bệnh nhân bị nhiễm tại Bồ Đào Nha, Anh, và Mỹ cho thấy đợt dịch có thể xuất phát từ một nguồn duy nhất.

Philippe Selhorst, nhà vi-rút học tại Viện Y dược Antwerp tại Bỉ, cho biết: “Các ca ghi nhận ở nước chúng tôi chắc chắn bắt nguồn từ Bồ Đào Nha.” Hôm 20/5, ông đã đăng lên Virological.org cấu trúc gen của vi-rút đậu mùa khỉ thu được từ một bệnh nhân người Bỉ. Trình tự gen của nó rất giống với trình tự gen của vi-rút ghi nhận ở Bồ Đào Nha. Được biết bệnh nhân tại Bỉ cũng du lịch đến Lisbon trước khi phát hiện mụn rộp, củng cố mối liên hệ trên.

Bởi có cấu trúc gen là ADN, vi-rút đậu mùa khỉ biến đổi gen chậm hơn các vi-rút ARN như dengue hay SARS-CoV-2. Selhorst nhận xét: “Tôi cho rằng vi-rút ghi nhận được ở các bệnh nhân đậu mùa khỉ không quá khác nhau.”

Song, các biến đổi gen vẫn được bắt gặp ở các bệnh nhân khác nhau. Selhorst nói: “Vi-rút ở mỗi bệnh nhân chắc chắn sẽ khác nhau rồi. Điều ta cần biết là các điểm khác nhau đó có ý nghĩa gì hay không.” Selhorst cũng cho biết chưa có biến đổi gen nào cho thấy vi-rút sẽ có khả năng lây lan nhanh hơn cả.

Vi-rút lây lan như thế nào?

Amesh Adalja, bác sĩ bệnh truyền nhiễm và học giả cấp cao tại Trung tâm Johns Hopkins về An ninh Y tế, cho biết: “Vi-rút lây lan từ người này sang người khác chủ yếu qua các hoạt động tình dục.”

Nói vậy không có nghĩa đậu mùa khỉ là bệnh lây truyền qua đường tình dục. Học giả giải thích: “Bạn có thể nhiễm bệnh cảm cúm nếu ôm hôn người mắc phải và trong lúc ân ái, người ta hôn nhau rất nhiều. Vậy nhưng không ai nói cảm cúm là bệnh lây truyền qua đường tình dục cả.” Tương tự vậy, hành động tiếp xúc gần, da chạm da, mới chính là cơ chế làm lây lan đậu mùa khỉ ở những người sinh hoạt tình dục.

Tuy có thể không nổi mụn mủ, người mắc bệnh có thể có những vết loét khó thấy được ở vùng miệng và cổ họng; vi-rút từ những điểm này có thể hòa vào nước bọt và lây cho bạn tình, theo John Brooks từ CDC. Hiện Selhorst và cộng sự đang tích cực thu thập mẫu tinh dịch và các dịch cơ thể khác từ người bệnh để xem đậu mùa khỉ có khả năng lây qua đường tình dục hay không.

Brooks phát biểu tại buổi họp báo rằng những người nhiễm đậu mùa khỉ trong đợt bùng phát này phát hiện mụn nổi ở vùng háng và hậu môn rồi tưởng nhầm mình bị mụn rộp sinh dục hay các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác. Yinka-Ogunleye bổ sung nhiều ca bệnh còn nhầm đậu mùa khỉ với trái rạ. Vì vậy mà Adalja và Tom Ingelsby, đồng sự của ông tại Johns Hopkins, có cảnh báo rằng cần chú ý những ca tưởng nhầm bệnh như trên. Khi nghi ngờ bệnh nhân bị mắc đậu mùa khỉ, các bác sĩ được khuyến cáo nên liên hệ ngay với sở hoặc phòng y tế cấp địa phương.

Bệnh dịch có thể được ngăn chặn như thế nào?

Tình hình đậu mùa khỉ ở Nigeria hiện đang trong tầm kiểm soát; người nhiễm bệnh được cách ly và truy vết nhanh chóng, theo Yinka-Ogunleye. Bà cũng cho biết hiện đất nước Tây Phi này vẫn chưa có vaccine và các thuốc chống vi-rút nhằm giảm tác hại và ngăn chặn bệnh dịch lây lan. Cũng cần lưu ý là đa số các ca đều sẽ tự khỏi và đào thải sạch vi-rút; song, một số ca vẫn cần thuốc hỗ trợ.



Các loại vaccine ngừa bệnh đậu mùa cũng có thể có tác dụng với bệnh đậu mùa khỉ - Ảnh: James Gathany/CDC

Tại Mỹ và Châu Âu, các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân có thể được tiêm ACAM2000 - một loại vaccine trước đây dùng để kháng đậu mùa, hoặc Jynneos. Loại vaccine mới hơn này được công ty Bavarian Nordic chế tạo và vào năm 2019, được Cục Quản lý Thực phẩm và Thực phẩm Hoa Kỳ phê chuẩn cho những trường hợp bị đậu mùa hay đậu mùa khỉ. Jynneos ít gây tác dụng phụ và an toàn hơn với những người bị eczema hay có hệ miễn dịch yếu.

Hiện tại, các ca ghi nhận đều chỉ biểu hiện triệu chứng nhẹ. Tuy nhiên, một số loại thuốc vẫn được phát triển nhằm chống lại bệnh này, cụ thể là brincidofovir và tecovirimat. Những bằng chứng cho thấy hai loại thuốc trên có thể chống chọi đậu mùa khỉ đến từ các cuộc nghiên cứu trên động vật. Chỉ có một nghiên cứu quy mô nhỏ thực hiện trên người diễn ra tại Anh. Theo đó, 3 người sử dụng brincidofovir gặp phải các vấn đề về gan và bị buộc ngưng sử dụng thuốc. Một người khác dùng tecovirimat chỉ nằm viện 10 ngày, thấp hơn so với 6 bệnh nhân cùng đợt phải chờ 22-39 ngày để cơ thể đào thải sạch vi-rút. Vì mẫu khảo sát quá nhỏ, ta không thể kết luận được gì về mức độ hiệu quả của thuốc.

Những ai từng tiêm vaccine đậu mùa có thể vẫn có sức đề kháng trước đậu mùa khỉ, theo Aaron Glatt, nhà dịch tễ chuyên về bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Mount Sinai South Nassau ở Oceanside, New York, đồng thời là phát ngôn viên của Hiệp hội Bệnh Truyền nhiễm Hoa Kỳ. Tuy vậy, những ca đã tiêm vaccine đậu mùa không nhiều bởi đậu mùa được công bố bị triệt tiêu năm 1980 và các quốc gia phần lớn đều ngừng tiêm vaccine này sau những năm 1970. Điều đó cũng có nghĩa những người từ 50 tuổi trở xuống có nguy cơ mắc phải đậu mùa và đậu mùa khỉ cao hơn.

Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán