Trang chủ»Khoa học - Công nghệ»Khoa học & Công nghệ thế giới

Khoa học & Công nghệ thế giới

Robot nuôi ong có phải là giải pháp tương lai?

Những người nuôi ong đôi khi mất vài tháng mới nhận ra đàn ong của mình gặp chuyện gì; nhưng những tổ ong robot có thể phát hiện và giải quyết vấn đề ngay tức khắc, giảm thiểu khả năng ong chết. Đây là cách giải thích đơn giản nhất điểm vượt trội giữa robot và người nuôi ong. Bảo vệ loài ong - một trong những nhiệm vụ cần kíp nhất để đảm bảo đa dạng sinh học - là mục tiêu mà sáng kiến khởi nghiệp Beewise ở Israel đang nhắm đến.



Hình ảnh trên cho thấy cách hoạt động của một tổ ong tự động - một trong những dự án Beehome của Beewise - Ảnh: AFP

Dùng công nghệ để cứu lấy ong

Beewise thiết kế “Beehome” - một loại thùng chứa rộng 12m2 nơi gần 2 triệu con ong sinh sống trong 24 tổ. Thùng chứa chạy bằng năng lượng mặt trời và được giám sát 24/7 cũng như trang bị công nghệ AI. Giám đốc điều hành Beewise, Netaly Harari, cho biết: “Phần mềm của chúng tôi biết được bầy ong cần những gì. Nếu gặp vấn đề, một ứng dụng sẽ báo cho người nuôi ong biết và họ có thể chọn một trong các phương án xử lý từ xa.” Theo bà, robot có thể cho ong đường, nước, thuốc thang, và còn có thể chiết xuất mật ong nữa.

Vì sao ta cần bảo vệ loài ong?

Phần lớn lương thực ta có được là nhờ quá trình thụ phấn - cách thực vật sinh sản nhờ vào côn trùng. Hơn 70% những loài thực vật quen thuộc - từ các loại trái cây, rau củ, các hạt dầu và đậu, cho đến các cây gia vị, cà phê, rồi ca cao nữa - đều nhờ đến ong để thụ phấn.

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) cho biết: “Ong và các loài côn trùng thụ phấn khác là thành tố quan yếu cho chế độ dinh dưỡng của con người và an ninh lương thực.” FAO vinh danh ong và tuyên truyền bảo vệ loài côn trùng quan trọng này vào Ngày Ong Toàn cầu được tổ chức vào ngày 20/5 mỗi năm.

Số lượng đàn ong sụt giảm đến mức báo động. Các nguyên do chính yếu là mất nơi làm tổ, thuốc trừ sâu, bệnh dịch, và các loài ký sinh trùng. Giáo sư Sharoni Shafir, trưởng Trung tâm Nghiên cứu Ong tại Đại học Hebrew, nói: “Chỉ tính riêng Israel, cứ mỗi năm khoảng 20-30% tổ ong lại biến mất.”

Nhiệm vụ tiếp theo của Beewise

Beewise cho biết sẽ bắt đầu sản xuất mật ong vào cuối tháng 5. Theo Harari: “Đây sẽ là loại mật ong đầu tiên được làm ra với sự hỗ trợ từ trí tuệ nhân tạo.”

Hàng trăm tổ ong robot đã có mặt tại Israel và hàng chục tổ ong khác đang được thí điểm tại Mỹ. Beewise cũng lên kế hoạch thâm nhập thị trường Châu Âu trong vòng hai năm tới.

Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán