Trang chủ»Khoa học - Công nghệ»Khoa học & Công nghệ thế giới

Khoa học & Công nghệ thế giới

Tỷ lệ giới tính trẻ sơ sinh có liên hệ đến các chất ô nhiễm

Một nghiên cứu cho thấy mối liên hệ giữa một số chất ô nhiễm và tỷ lệ với giới tính của trẻ sơ sinh.



Nghiên cứu cho thấy một số nhân tố như ô nhiễm và các áp lực xã hội có thể ảnh hưởng đến tỷ lệ giới tính ở trẻ sơ sinh, nhưng chưa đi đến kết luận nguyên nhân và hệ quả - Ảnh: Picture Partners/Alamy

Theo nghiên cứu, tỷ lệ nam:nữ ở các em bé của hàng triệu bậc cha mẹ có liên hệ với nhiều chất gây ô nhiễm và các nhân tố liên quan đến vấn đề nghèo đói.

Nghiên cứu được tiến hành trên một nửa dân số tại Mỹ và toàn bộ dân số tại Thuỵ Điển cho thấy trong 100 nhân tố ảnh hưởng đến tỷ lệ giới tính, ô nhiễm thuỷ ngân, crom, và nhôm liên hệ với tỷ lệ bé trai sinh ra cao hơn, trong khi ô nhiễm chì tỷ lệ thuận với số bé gái sinh ra cao hơn.

Các tiêu chí khác như số lượng các chuỗi thức ăn nhanh hay số lượng nhà trống trong khu vực cũng có liên hệ đến thay đổi trong tỷ lệ giới tính. Một số chỉ tố khác cũng có liên quan là số thương vong trong tai nạn giao thông và vụ xả súng ở Virginia Tech hồi năm 2007.

Trong khi đó, các nhân tố như nhiệt độ thời tiết, mùa đứa bé được sinh ra, tỷ lệ thất nghiệp và tội phạm bạo loạn lại không có liên hệ đến sự thay đổi trong tỷ lệ giới tính.

Nghiên cứu chỉ nêu ra mối liên hệ chứ không khẳng định quan hệ nguyên nhân - hệ quả. Theo các nhà nghiên cứu thì để làm được điều đó, cần phải tiến hành thêm nhiều thực nghiệm nhằm kiểm tra tác động của các loại hoá chất lên tế bào người và động vật.

Andrey Rzhetsky từ Đại học Chicago, chủ nhiệm nghiên cứu này, cho biết: “Chúng tôi mới chỉ có danh sách các “nghi phạm” có nhiều bằng chứng “phạm tội” nhất, nhưng cần phải điều tra kỹ càng hơn trước khi có thể đưa ra bất kỳ kết luận nào.”

Giới tính của trẻ được định hình ngay khi thụ tinh, với tỷ lệ nam:nữ là 1:1. Nhưng do ảnh hưởng của hormone, các phôi thai nữ hoặc nam sẽ bị tiêu huỷ, dẫn đến sự chênh lệch về tỷ lệ giới tính lúc sinh.

Rzhetsky cho biết: “Câu hỏi đặt ra là tại sao lại có chuyện này, và câu trả lời khả dĩ là do nhiều nhân tố như áp lực xã hội hay môi trường. Tỷ lệ giới tính thay đổi là hiển nhiên bởi đặc trưng sinh lý của phôi thai nam và nữ không giống nhau, nhất là về phương diện hormone.”

Nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Plos Computational Biology này đánh dấu lần đầu tiên giới khoa học tìm hiểu về mối tương quan giữa các hoá chất gây ô nhiễm cũng như các nhân tố môi trường đến tỷ lệ giới tính trên một mẫu lớn, thu thập từ hai châu lục khác nhau. Cụ thể, nghiên cứu đã khảo sát 150 triệu người tại Mỹ trong vòng 8 năm và 9 triệu người Thuỵ Điển trong vòng 30 năm.

Những nhân tố gây thay đổi tỷ lệ giới tính nhiều nhất là ô nhiễm thuỷ ngân và việc thai phụ sinh sống gần các nhà máy; con số lên đến 3%, tức trong một triệu bé thì chênh lệch giữa bé trai và bé gái là 60.000 bé. PCB, một chất hoá học trước kia không cho thấy mối liên hệ đáng kể với tỷ lệ giới tính, hiện đã được liên kết với độ tăng của các bé trai được sinh ra.

Các nhà nghiên cứu cũng tìm hiểu về ảnh hưởng của hai sự kiện thảm hoạ tại Mỹ: cơn bão Katrina năm 2005 và vụ xả súng ở Virginia Tech năm 2007. Kết quả cho thấy tỷ lệ giới tính trẻ sơ sinh có thay đổi đáng chú ý vào khoảng 34 tuần sau vụ xả súng. Rzhetsy cho biết cần thận trọng và tập trung vào những người liên quan trực tiếp đến vụ xả súng để làm rõ mối liên hệ thay vì chú ý đến toàn bộ mẫu nghiên cứu.

Kích thước mẫu lớn đồng nghĩa với việc dữ liệu thu thập cũng mạnh hơn, song các nhà nghiên cứu cho rằng như vậy vẫn chưa đủ vì họ không thu được các số liệu về trường hợp lưu thai. Hơn nữa, toàn bộ các trường hợp bao gộp trong mẫu đều có bảo hiểm y tế tư nhân và vì vậy không đại diện cho toàn bộ dân số Mỹ.

Tuy không tham gia vào nghiên cứu, Gareth Nye, chuyên gia phụ sản tại Đại học Chester, Anh, cũng nhận xét: “Ta có thể đặt ra giả thuyết chất ô nhiễm ảnh hưởng đến bào thai ngay từ lúc thụ tinh, khiến tỷ lệ giới tính lệch về một bên. Nhưng nếu không có các nghiên cứu mức độ tế bào thì mọi chuyện cũng chỉ là phỏng đoán.”

Ông cũng nói thêm: “Các chất ô nhiễm chắc chắn có ảnh hưởng đến sức khoẻ và nghiên cứu dựa trên dữ liệu máy tính như thế này có thể giúp ta tìm ra nguyên do.”

Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán